| Hotline: 0983.970.780

Người lưu giữ dân ca quan họ

Thứ Năm 04/07/2024 , 08:56 (GMT+7)

Những người biết hát quan họ nhiều không kể hết nhưng người đắm đuối, biết chơi, chịu chơi và dám chơi như liền anh làng Hoài Trung thì quả là 'xưa nay hiếm'.

Là con nhà nòi khi sinh ra và lớn trên trong một gia đình có truyền thống chơi quan họ anh Dương Đức Thắng (Phó chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Trung, Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) từ lâu đã thấm thấu cái lễ nghĩa, cái tình của quan họ. Hơn 30 năm nay, anh vẫn miệt mài đi tìm, giữ gìn những câu hát, những kỷ vật của quan họ.

Biết chơi

Quan họ không đơn giản chỉ là một làn điệu dân ca mà quan họ là văn hoá, “văn hoá quan họ”. Anh Thắng cho biết: “Trước khi học hát quan họ thì phải học làm người quan họ. Hát quan họ là tuyệt đỉnh của thi ca. Nhưng học mãi rồi cũng sẽ thuộc, sẽ hát được. Chơi quan họ thì khó hơn rất nhiều. Là cái lễ, cái nghĩa, trọng lễ nghĩa, đặt lễ nghĩa lên hàng đầu…”.

Hát quan họ thì gồm nhiều cách chơi, hình thức diễn xướng có thể kể đến như hát thờ, hát chúc, hát mừng, hát hội, hát canh. Trong đó, hát canh là hình thức diễn xướng đặc sắc và tiêu biểu của quan họ. Hát canh là hát vào ban đêm, từ 19h đến 21h là canh một; 21h đến 23h là canh hai; 23h đến 1h là canh ba; 1h đến 3h là canh tư; 3h cho đến 5 giờ sáng là canh năm.

Một canh hát được CLB quan họ Hoài Trung tái hiện lại. Ảnh: Minh Toàn.

Một canh hát được CLB quan họ Hoài Trung tái hiện lại. Ảnh: Minh Toàn.

Người hát và người nghe đồng nhất, bên này ca lên những lời ca quan họ để biểu hiện tình cảm, tâm tư của mình cho bạn nghe rồi mình lại trở lại làm khán giả để nghe bạn mình thể hiện, nếu có tán thưởng thì cũng chỉ hai bên khen lẫn nhau, bộc lộ thái độ kính mến và trân trọng nhau.

Hát canh bắt buộc phải ca đủ ba chặng thì mới gọi là một canh quan họ. Chặng thứ nhất, ca các giọng lề lối năm trên, năm dưới. Chặng thứ hai ca các giọng vặt giọng lẻ, tức là hát giao duyên, chặng này bài ca rất phong phú, đa phần là nói đến tình yêu và nỗi nhớ.

Phần giọng vặt ít nhiều đã thể hiện sự tinh tế của người quan họ bởi bản chất là phần đối đáp, 2 bên sẽ hát đối đến khi một bên không thể đối lại được nữa. Anh Thắng chia sẻ: “Hát canh có thể hát đến 3 ngày 2 đêm, các cụ cứ đối nhau vậy thôi. Nhưng không bao giờ các cụ để bạn thua quá 1 bài. Chơi với bạn, biết bạn có bài gì thì ra bài nhẹ nhàng, phù hợp. Chỉ đến đầu canh 5, các cụ mới ra những bài độc đáo để bên kia không thể đối lại được nữa...”.

Một cặp liền anh hát quan họ. Ảnh: Minh Toàn.

Một cặp liền anh hát quan họ. Ảnh: Minh Toàn.

Nhưng dù đã thua, nhưng người quan họ cũng rất tinh tế khi không trực tiếp nhận mình thua mà ẩn ý qua câu hát: “Dạ vừa rồi thì, anh Hai, anh Ba dắt chúng em vào rừng sâu quá ạ/Vào rừng mà chẳng biết lối ra/Thấy cây lúc lác tưởng là vàng tâm/Anh Hai, anh Ba quan họ lại chỉ đường cho chúng em ra đấy ạ…”.

Chặng thứ ba ca các giọng giã bạn, tức là ca để chia tay nhau, nội dung bài ca là thương nhớ và mong được ngày tái ngộ, chặng này là bắt buộc quan họ bạn phải ca trước để xin về, quan họ chủ ca câu giữ bạn. Cái chất, cái hồn của quan họ dần ngấm vào từng tế bào của anh Thắng. Anh Thắng kể: “Cứ mỗi lần đi hát về, là ông nằm một giường, bà nằm một giường chỉ ra những cái chưa phải của nhau trong canh hát trước đó. Hai bên cứ tranh luận qua lại, mà tuyệt nhiên không hề có to tiếng hay cãi vã. Có khi, tranh luận cả tháng mới hết…”.

Đi tìm hồn quan họ

Ngay từ nhỏ, anh Thắng đã có ý thức về việc gìn giữ những kỷ vật liên quan đến quan họ. Anh Thắng cho biết: “Năm lên 10 đã có ý tưởng sẽ giữ lại những món đồ của ông bà từ cái dép, bộ quần áo, hay cả cơi trầu… ‘Ông đừng cho ai đấy, cất đấy, để mai sau con giữ cho…’ đấy tôi với với ông như thế…”.

Năm 16 tuổi, anh Thắng đã “học hết vốn” quan họ của ông bà. Lúc này, anh lân la sang các làng quan họ khác để học quan họ từ các cụ cao niên. Bởi theo ông nội của anh Thắng: “Quan họ mênh mông thiên kinh vạn quyển, ai biết lối nào đi lối ấy, không bao giờ hết, làng này có câu này hay thì làng khác cũng có câu kia độc đáo…”.

Tủ chè 500 tuổi của cụ Nhi được đặt trang trọng trong phòng trưng bày của CLB . Ảnh: Minh Toàn.

Tủ chè 500 tuổi của cụ Nhi được đặt trang trọng trong phòng trưng bày của CLB . Ảnh: Minh Toàn.

Do có mối thâm tình với làng Viêm Xá (làng Diềm) nên anh Thắng thường xuyên lui tới để học quan họ các cụ, trong đó, có cụ Ngô Thị Nhi (1923-2017) – Nghệ nhân Ưu tú, báu vật sống. Khi lên học cụ Nhi, anh Thắng vẫn là một học sinh, sáng đi học, chiều đi chăn bò.

Anh Thắng kể: “Tôi nhớ có một lần lên nhà cụ Nhi để đi xới lạc và học quan họ với cụ. Trước khi đi đã gửi bò cho bạn giữ. Đạp xe lên làng Diềm. Nhưng đến nửa đường thì xe đứt xích, cuốn vào đi không đi được, thế là phải khiêng. Bình thường là 9h lên đến nhà cụ rồi nhưng nay 10h mới lên đến nơi. Cụ vẫn đợi. Sau đó cụ nấu cơm cho ăn rồi cho cả tiền sửa xe về…”.

Những hình ảnh hiếm hoi của cụ Nhi và anh Thắng. Ảnh: Minh Toàn.

Những hình ảnh hiếm hoi của cụ Nhi và anh Thắng. Ảnh: Minh Toàn.

Thậm chí, anh Thắng bỏ cả tiết học để lên học quan họ. Khi đó, anh nhiều lần bị mẹ mắng, hứa lần sau không tái phạm. Nhưng đâu lại vào đó. Nhiều lần, anh Thắng đi chăn bò, nhưng bò về trước cả người. Là người ham học hỏi, có khả năng ghi nhớ tốt nên anh Thắng thuộc rất nhanh những câu quan họ. Thậm chí cụ Nhi đã từng nói rằng: “Bình thường một tối tôi học 3 bài là đã nhiều lắm rồi mà chiều đến giờ, anh xơi của tôi 5 bài rồi…”.

Khả năng ghi nhớ thiên bẩm cũng được anh Thắng sử dụng mỗi khi đi “học mót” cùng ông. Anh Thắng cho biết: “Tôi với ông đi cùng nhau, thấy họ hát câu hay quá, 2 ông con chia nhau ra học thuộc. Bình thường có 4 trổ thì tôi 2 trổ, ông 2 trổ rồi về ghép lại…”.  

Anh Thắng dường như là người được “chọn mặt gửi vàng”, bởi những tinh hoa của quan họ anh đều từng được chứng kiến thậm chí là sở hữu. Người quan họ có nhiều vật dụng để đãi khách quan họ như mâm bát, cơi trầu… Nhưng chúng không phải là những vật dụng vô tri vô giác mà với anh Thắng “vạn vật hữu linh”. Người sở hữu chúng có thể đã đi xa nhưng cái hồn của họ vẫn phảng phất bên trong những kỷ vật kia.

Ngoài các kỷ vật của ông bà nội, anh Thắng cũng đặt vấn đề với nhiều gia đình có kỷ vật của người quan họ với mục đích để gìn giữ. Trên mỗi đồ vật được ghi tên, địa chỉ cụ thể để thấy được dấu ấn, thói quen, cuộc đời của các bậc nghệ nhân tiền bối.

Các kỷ vật có tuổi đời trung bình từ 70-80 năm tuổi, gắn bó mật thiết với các lớp nghệ nhân tiêu biểu đã được ghi nhận là “báu vật nhân văn sống” hoặc của những lớp nghệ nhân tinh hoa được phong tặng đợt đầu tiên khi dân ca quan họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2009.

Bộ mâm bát được dùng để đãi cơm quan họ. Ảnh: Minh Toàn.

Bộ mâm bát được dùng để đãi cơm quan họ. Ảnh: Minh Toàn.

Anh Thắng cho biết: “Cái tủ chè của cụ Nhi là kỷ vật lâu đời nhất ở đây. Cũng là kỷ vật mà tôi mất thời gian lâu nhất để đưa về được phòng trưng bày. Biết tủ từ năm 1996 nhưng đến 2024 tôi mới đưa được về. Tính đến đời cụ Nhi là đời thứ 6 rồi. Phải đến 200 năm tuổi. Cụ Nhi giờ đã đi xa nhưng cứ nhìn thấy cái tủ là hình ảnh cụ Nhi đang lau tủ để mai đón khách lại hiện lên trong đầu tôi…”.

Đặc biệt nhất là cái cơi trầu bằng gỗ khảm trai tranh vinh quy bái tổ - kỷ vật của bà nội anh Thắng (nghệ nhân Nguyễn Thị Hạp). Cụ vốn là con gái cụ Đàm Phú - một gia đình quan họ có tiếng phong lưu ở Hoài Trung. Thuở ấy, đây là thứ không thể thiếu mỗi lần cụ đi chơi để mời quan họ bạn. Sau này, khi lấy ông nội anh Thắng (nghệ nhân Dương Văn Quyến), cơi trầu này cũng được mang theo nhưng bị thất lạc. Lần tìm theo lời kể của hai cụ, em biết được thông tin về kỷ vật quý giá này đang ở làng Chọi. Nhưng cũng phải mất mấy năm thuyết phục ròng rã, đổi cái tủ chè người ta mới cảm động mà để lại cho.

Anh Thắng giữ gìn cẩn thận từng kỷ vật. Ảnh: Minh Toàn.

Anh Thắng giữ gìn cẩn thận từng kỷ vật. Ảnh: Minh Toàn.

Nhiều người cũng thắc mắc về mục đích gìn giữ những kỷ vật của anh Thắng. Trong đó có cụ Nhi, cụ Nhi hỏi: “Thế chú lấy cái này về làm gì? Thế nay mai mình có giữ mà đời sau chúng nó không thích, bỏ đi thì có phí không?”. Từ đó, anh Thắng đã có ý định thành lập phòng trưng bày để gìn giữ, giới thiệu cho khách tham quan về những kỷ vật được coi là “hồn” của quan họ.

Một số kỷ vật được anh Thắng sưu tầm trong thời gian qua. Ảnh: Minh Toàn.

Một số kỷ vật được anh Thắng sưu tầm trong thời gian qua. Ảnh: Minh Toàn.

Thậm chí, anh Thắng cũng đã cung cấp nhiều kỷ vật quan họ cho Thư viện quốc gia, viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Việt Nam, thư viện Bắc Ninh…2185 bài chép tay và nhiều đầu sách cổ. Các kỷ vật cũng thường xuyên được Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh mượn trưng bày trong các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Anh Dương Đức Tháng là con cháu đời thứ sáu trong dòng dõi quan họ nhà nòi (cháu nội của 2 nghệ nhân quan họ mẫu mực nức tiếng Dương Văn Quyến và Nguyễn Thị Hạp của Hoài Trung - một trong 49 làng Quan họ gốc).

Kết quả của hơn 30 năm học tập, sưu tầm anh Thắng đang lưu giữ 18 cuốn sổ lưu nét chữ viết tay của các cụ nghệ nhân với khoảng 1.500 bài, hàng trăm bản ghi âm các làn điệu cổ và giọng hát của các nghệ nhân. 

Xem thêm
AFoCO hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng quản lý rừng

AFoCO tích cực chuyển giao công nghệ và hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam, như hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý tài nguyên bền vững.

Bài học kinh nghiệm về quản trị các Vườn Quốc gia ở Hoa Kỳ

Một trong những cách tiếp cận đáng học hỏi, đó là bảo tồn không chỉ cho bảo tồn mà bảo tồn cho thụ hưởng của thế hệ hôm nay và mai sau.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Sẽ thông qua đề án Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng trong tháng 8

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đề án Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng có thể sẽ được Chính phủ phê duyệt trong tháng 8/2024.