Áp dụng chặt chẽ quy trình tưới ngập – khô xen kẽ
Từ 6 giờ sáng, tại cánh đồng 18ha của ông La Văn Hành ở xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), chiếc drone (thiết bị bay không người lái) chở theo hàng chục kilogram lúa giống OM5451 bắt đầu gieo sạ theo quy trình canh tác lúa thông minh, áp dụng kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ (AWD).
Mô hình do 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB (BSB Nanotech), Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành và Spiro Carbon cùng bắt tay thực hiện.
Giống lúa đưa vào sản xuất trong mô hình có thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày. Tổng thời gian giữ ruộng ngập khoảng 50 ngày và ruộng khô khoảng 50 ngày. Trong đó, bà con cần chia thành 4 lần lấy nước vào ruộng và 5 lần xả nước ra.
Số ngày khô và ngập được các chuyên gia nông nghiệp tính toán phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Qua đó, giúp bà con quản lý tốt cỏ dại, tăng số chồi hữu hiệu và hạn chế sâu bệnh gây hại.
Ở giai đoạn từ 85 ngày sau sạ (NSS), bà con xả nước ra để mặt ruộng khô tự nhiên. Trước khi thu hoạch từ 10 – 14 ngày cần xiết nước để mặt ruộng khô ráo, giúp nâng cao phẩm chất lúa gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch. Việc canh tác đúng theo quy trình tưới ngập – khô xen kẽ có thể giúp bà con giảm được lượng phát thải từ 3,5 – 4 tấn/ha/vụ.
Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác, bà con nông dân được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn chụp ảnh đồng ruộng vào các thời điểm: Chuẩn bị gieo sạ, 18 NSS, 37 NSS, 44 NSS, 55 NSS, 70 NSS và 100 NSS. Đồng thời, hệ thống vệ tinh Spiro Carbon sẽ có 6 lần bay qua cánh đồng đã được định vị trên hệ thống để tiến hành chụp ảnh và đo lượng khí phát thải, bao gồm 3 lần vào thời điểm đồng ruộng ngập và 3 lần lúc ruộng khô.
Ông La Văn Hành (hộ tham gia mô hình) cho biết, trước đây ông cũng đã từng áp dụng quy trình canh tác lúa ngập - khô xen kẽ, tuy nhiên khi tiếp cận với phương pháp trồng lúa thông minh lần này, ông nhận thấy quy trình được áp dụng nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn.
Hiện nay, sản xuất lúa ngày càng được áp dụng rộng rãi các quy trình, công nghệ tiên tiến, khoa học như sạ cụm kết hợp bón phân vùi, sạ bằng drone hay sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học... Từ đó giúp bà con giảm nhiều chi phí, tăng lợi nhuận nên rất phấn khởi.
Quy trình canh tác lúa thông minh áp dụng kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ (AWD) đã triển khai thành công tại Thái Lan và tiếp tục được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam trong những năm qua.
Điển hình như xã Bình Hòa (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là địa phương đầu tiên được các doanh nghiệp lựa chọn triển khai thí điểm quy trình trên quy mô 4ha. Cuối tháng 5 vừa qua, cánh đồng đã thu hoạch với kết quả rất tích cực, nông dân giảm được 1/2 lượng nước tưới và giảm 15% chi phí sản xuất. Đặc biệt, năng suất tăng 2 tấn/ha so với phương pháp canh tác trước đây.
Mô hình thành công đã tạo động lực lớn cho nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk mạnh dạn chuyển đổi sang phương pháp canh tác lúa thông minh, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Từ đây, quy trình tiếp tục được mở rộng tại một số địa phương vùng ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang… Riêng mô hình tại tỉnh Đồng Tháp vừa hoàn thành thu hoạch với kết quả khả quan khi năng suất đạt 8,8 tấn/ha. Trong khi đó, ruộng đối chứng đạt trên 7 tấn/ha và những cánh đồng trong khu vực chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha.
Nâng cao "sức khỏe" cây lúa, giảm phát thải
Để triển khai hiệu quả mô hình, Công ty Net Zero Carbon là đơn vị chủ trì, điều phối, tổ chức thực hiện và quản lý chung toàn mô hình.
BSB Nanotech là đơn vị đưa ra giải pháp canh tác, giám sát và hướng dẫn nông dân thực hiện giải pháp tưới ngập - khô xen kẽ. Đồng thời, quy trình ứng dụng chế phẩm ECO OK có thành phần Nano Composite gồm Silica hữu hiệu từ vỏ trấu, boron và nano bạc, kết hợp với phân bón trung vi lượng Chery giúp cây lúa khỏe, bộ rễ phát triển tốt. Qua đó góp phần nâng cao "sức khỏe", khả năng chống chịu của cây lúa trước tác động bất lợi của thời tiết và sâu bệnh hại, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.
Tham gia mô hình, Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành cung cấp phân bón thông minh một màu, chuyên dùng cho lúa. Cộng với quy trình canh tác theo hướng khoa học, sản phẩm này là giải pháp giúp giảm chi phí đầu vào, giúp cây lúa chắc khỏe, ít sâu bệnh.
Tại mô hình, Spiro Carbon sẽ đưa ra giải pháp quan trắc, đo đạc, đánh giá và báo cáo thẩm định lượng phát thải khí nhà kính từ cây lúa. Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vệ tinh để theo dõi và chụp ảnh toàn bộ quá trình phát triển của ruộng lúa. Sau khi kết thúc mùa vụ, từ những dữ liệu thu thập được, đơn vị sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, đưa ra mức giảm phát thải và phát hành báo cáo.
Mối liên kết này nhằm tạo ra một quy trình trồng lúa thông minh, khép kín từ đơn vị cung cấp vật tư đầu vào đến việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật, đưa ra các phương pháp quan trắc, đo đạc, báo cáo thẩm định lượng phát thải khí nhà kính.
Với mong muốn tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng lúa cho nông dân, ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tự tin cam kết, quy trình AWD sẽ giúp bà con giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30%, giảm lượng phân bón hóa học khoảng 10%. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ việc trồng lúa thông minh được tăng lên đáng kể. Hạt lúa sạch, "xanh" hơn, tăng năng suất, giảm phát thải và tăng cường sức khỏe cho người trồng lúa.
Là quy trình canh tác còn khá mới so với tập quán canh tác hiện tại của nông dân, do đó để bà con an tâm thực hiện, Net Zero Carbon thực hiện chính sách “bù đắp” cho nông dân nếu sản lượng từ mô hình thấp hơn so với bình quân của huyện. Ngược lại nếu sản lượng cao hơn, bà con hoàn toàn được thụ hưởng thành quả.
Với hướng đi này, đơn vị mong muốn có điều kiện được tham gia một phần vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ NN-PTNT đang triển khai.
Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trọn gói này đã mang đến những hiệu quả tích cực, vượt trội cho bà con nông dân và môi trường tự nhiên, mở ra những triển vọng phù hợp với định hướng phát triển xanh, bền vững, chất lượng cao mà ngành nông nghiệp cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đang hướng đến.
Việc liên kết sản xuất trong các mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ sẽ giúp khai thác tối đa thế mạnh của từng doanh nghiệp, quy tụ vào một quy trình để tạo nên một giải pháp canh tác hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí: Giảm chi phí, nâng cao "sức khỏe" cho cây lúa, tăng năng suất, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Quy trình canh tác lúa thông minh tưới ngập – khô xen kẽ (AWD) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong canh tác lúa gạo bền vững ở nhiều vùng trên cả nước.