| Hotline: 0983.970.780

Tuy Phong nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân

Thứ Hai 24/07/2023 , 13:43 (GMT+7)

Bình Thuận Huyện Tuy Phong xác định việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới.  

Một trường chuẩn Quốc gia ở huyện Tuy Phong. Ảnh: ĐB.

Một trường chuẩn Quốc gia ở huyện Tuy Phong. Ảnh: ĐB.

Huyện Tuy Phong nằm ở phía đông tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 90 km về phía Đông Bắc. Huyện có 11 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 9 xã.

Cách đây hơn 10 năm trước, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Tuy Phong gặp không ít khó khăn. Không chỉ trở ngại về thời tiết, khí hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất hạn chế mà đời sống, vật chất tinh thần của của người dân nông thôn còn nhiều thiếu thốn.

Trước tình hình đó, ông Võ Đức Thuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, tiêu chí thu nhập luôn được huyện xác định là tiêu chí hết sức quan trọng trong xây dựng NTM. Đây cũng là tiêu chí giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy việc duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. 

Với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống cho người dân, bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh thì cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã của huyện Tuy Phong cùng người dân đã “đồng tâm, đồng lòng” trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất.

“Những năm qua để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Chúng tôi chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, cũng như đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn”, ông Võ Đức Thuấn chia sẻ và cho biết thêm, đối với ngành nông nghiệp, huyện tập trung đưa một số giống cây trồng, vật nuôi mới như bò 3B, bò Brahman, dê Cannada, cừu Úc, nho Hồng Nhật, lúa Đài thơm 8 vào sản xuất.

Mô hình trồng táo ở huyện Tuy Phong giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: ĐB.

Mô hình trồng táo ở huyện Tuy Phong giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: ĐB.

Từ năm 2011-2022, toàn huyện đã triển khai 147 mô hình phát triển sản xuất với 3.887 hộ dân tham gia đều mang lại hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, địa phương chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực như lúa, nho, thanh long, táo, hành tím gắn với tiêu thụ. Đặc biệt, Tuy Phong có lợi thế trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển nên đã hình thành và phát triển các ngành như sản xuất tôm giống; nuôi trồng thủy sản, khai thác, chế biến thuỷ hải sản.

Với những nỗ lực trên, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn, huyện Tuy Phong đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm. Cùng với 6/9 xã gồm Bình Thạnh, Hòa Minh, Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân và Phú Lạc trên địa bàn huyện này đã đạt chuẩn NTM.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, xác định việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của khu vực nông thôn đạt 66 triệu đồng/người/năm; có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Để làm được điều đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó sẽ nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí, kể cả tiêu chí đã đạt song còn thấp hoặc chưa bền vững.

Tuy Phong đang tận dụng lợi thế để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: ĐB.

Tuy Phong đang tận dụng lợi thế để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: ĐB.

Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các chương trình chuyên đề, dự án khác để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế hộ, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với phòng trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, để tất cả người dân biết, tích cực hưởng ứng tham gia. Từ đó phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư về đề xuất, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các công trình, dự án trong xây dựng NTM.

Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; duy trì chế độ hội ý, giao ban định kỳ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo UBND huyện Tuy Phong, sau 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn đã thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thủy lợi, điện, các công trình trường học, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư; nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, một số sản phẩm lợi thế như lúa, thanh long, tôm giống sản xuất hiệu quả. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn chiếm 1,88%.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

60 gian hàng OCOP tham dự tuần hàng giới thiệu nông sản Hà Nội

Tại phố đi bộ thị xã Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao.