| Hotline: 0983.970.780

Gio Linh cần ‘cú hích’ để về nông thôn mới đúng hẹn

Thứ Sáu 07/07/2023 , 07:41 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Đến thời điểm này, 12/15 xã của huyện Gio Linh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Gio Linh tập trung đầu tư trọng điểm để 3 xã còn lại hoàn thiện các tiêu chí.

Gỡ khó cho những xã khó khăn

Linh Trường nằm ở phía Tây của huyện Gio Linh. Đời sống của trên 3 nghìn nhân khẩu với đa số là đồng bào dân tộc Vân Kiều chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích lúa nước chỉ khoảng 86ha (chủ yếu sản xuất lúa 1 vụ); trên 600ha cao su, trên 16 nghìn ha rừng… Cùng với tập quán và tư duy sản xuất còn lạc hậu, kinh tế Linh Trường còn nhiều khó khăn.

Gio Linh tập trung tháo gỡ cho những xã khó khăn để đạt tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

Gio Linh tập trung tháo gỡ cho những xã khó khăn để đạt tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

Đại diện UBND xã Linh Trường cho hay, mặc dù công tác giảm nghèo được các cấp chính quyền hết sức quan tâm và đi vào chiều sâu nhưng đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 38%, hộ cận nghèo trên 13%.

Bài liên quan

Năm 2022, từ các chương trình hỗ trợ, nhiều hộ nghèo đã được tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và trang thiết bị phục vụ sản xuất nhằm tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ đầu tư vào phát triển sản xuất còn thấp. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhưng không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Việc giao vốn còn chậm dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, giám sát và thanh quyết toán. Nhận thức của nhân dân về pháp luật, chế độ chính sách chưa cao. Tình trạng trông chờ, ỉ lại, đòi hỏi khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án vẫn còn.

Các chương trình đầu tư hỗ trợ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo mới cho nông thôn. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nguồn huy động từ nhân dân hạn chế, ngân sách hỗ trợ không đủ để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Vì vậy, diện mạo nông thôn mới tại Linh Trường vẫn chưa thực sự rõ nét. Tính đến cuối năm 2022, qua rà soát, đánh giá, Linh Trường mới hoàn thành 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông, các công trình thiết yếu đang rất cần nguồn đầu tư xây dựng. Ảnh: Võ Dũng.

Hạ tầng giao thông, các công trình thiết yếu đang rất cần nguồn đầu tư xây dựng. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Linh Trường xác định, trong 2023 đến hết năm 2024 xã sẽ hoàn thành 5 tiêu chí và năm 2025 sẽ hoàn thành tiêu chí còn lại.

Ông Lê Nhật Tân, Quyền Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho hay, với thực trạng như hiện nay, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại Linh Trường vẫn phải trông chờ vào các nguồn lực hỗ trợ. Việc phát triển các mô hình sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính định hướng đã làm ảnh hưởng quy hoạch chung của địa phương. Các tiêu chí đã đạt về cơ sở hạ tầng trong thời gian qua chỉ ở mức tối thiểu, thiếu bền vững do cần nguồn lực lớn, trong thời gian ngắn chưa thể huy động được.

Vì vậy, để Linh Trường về đích đúng hẹn, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thì sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên là yếu tố then chốt.

Tạo cú hích về kinh tế

Ngoài Linh Trường, hiện nay, các xã Gio Châu, Gio Hải đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trước năm 2025. Tại các địa phương này, UBND huyện Gio Linh đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho rằng, xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp thay đổi diện mạo hạ tầng nông thôn mà quan trọng là nâng cao đời sống của người dân. Vì vậy, để nâng cao đời sống cho người dân không còn cách nào khác là tạo được “cú hích” phát triển kinh tế.

Trong năm 2022, UBND huyện Gio Linh tiếp tục triển khai các đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ đến năm 2025; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Vùng gò đồi Gio Linh đang được đầu tư xây dựng trở thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ảnh: Võ Dũng.

Vùng gò đồi Gio Linh đang được đầu tư xây dựng trở thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ảnh: Võ Dũng.

Đây là các đề án nhằm cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh, sử dụng, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gio Linh.

Theo thống kê, đến nay Gio Linh có 8 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm theo chiều hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về giống, bộ giống ngắn ngày có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị.

Một số mô hình liên doanh, liên kết sản xuất theo hương VietGAP được hình thành. Chăn nuôi chuyển từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang trang trại, gia trại. Thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, năng lực tàu thuyền phát triển nhanh, nhất là tàu đánh bắt xa bờ. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt trên 45 ngàn tấn.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng khang trang, hiện đại. Phần lớn các xã cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí nông thôn mới...

Kinh tế phát triển kéo theo nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa. Đến nay, 100%  khu dân cư đạt đơn vị văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị duy trì danh hiệu đơn vị văn hóa; trên 94% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Các thôn, bản đã xây dựng và thực hiện các tiêu chí văn hóa gắn xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp kinh tế cư dân vùng nông thôn dần thay đổi về chất. Ảnh: Võ Dũng.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp kinh tế cư dân vùng nông thôn dần thay đổi về chất. Ảnh: Võ Dũng.

Những kết quả đạt được tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của các năm tiếp theo, là bước đệm tiến đến xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025.

Trong đó, đến cuối năm 2023, Gio Linh phấn đấu huyện đạt 6 - 7 tiêu chí huyện nông thôn mới; có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 - 5 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; các xã chưa đạt 19/19 tiêu chí, phấn đấu tăng từ 2 - 5 tiêu chí; bình quân đạt 17,6 tiêu chí/xã và duy trì các tiêu chí đạt được ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57 - 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm 1,4%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên 96%.

“Gio Linh sẽ từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao hoạt động các HTX; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp...”, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.