Theo đó, tuyên bố chung Mỹ-Nhật được loan đi ngay giữa chuyến công du Washington của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển một cách hòa bình", bản tuyên bố chung giữa các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Nhật có đoạn viết.
Lần cuối cùng Đài Loan được nhắc đến trong một tuyên bố chung Mỹ- Nhật là vào năm 1969, khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Sato Eisaku và người đồng cấp- Tổng thống Mỹ Richard Nixon sau một hội đàm. Khi đó, cả hai quốc gia đồng minh vẫn chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Tuyên bố chung Mỹ- Nhật lần này được đưa ra trong bối cảnh khu vực eo biển Đài Loan trải qua những ngày cảng thẳng khi máy bay quân sự Trung Quốc liên tục tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, bởi Bắc Kinh luôn coi eo biển là một trong những lợi ích cốt lõi của họ.
Mỹ và Nhật Bản cho rằng cách hành xử của Trung Quốc không tuân thủ trật tự quốc tế hiện nay và mang lại các thách thức về công nghệ, quân sự, kinh tế và chính trị đối với liên minh Mỹ - Nhật cũng như cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng hai nước cam kết chống lại cưỡng ép và hành vi gây bất ổn đối với các nước khác trong khu vực đồng thời cản trở hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong diễn biến liên quan, ngay sau khi hay tin hai nhà lãnh đạo Mỹ- Nhật ra tuyên bố chung kể trên, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Tokyo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Tuyên bố chung của Nhật Bản và Mỹ nhắm vào Trung Quốc cho thấy họ (Nhật Bản) sẵn sàng phụ thuộc vào sự hài lòng của Mỹ vì những mục đích ích kỷ của mình, và họ đã hạ cấp Nhật Bản như một phần phụ chiến lược của Mỹ”, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời ông Triệu Lập Kiên.
Theo giới chuyên gia phân tích quốc tế, tuyên bố chung mới nhất giữa Mỹ và Nhật Bản cho thấy hai bên sẽ giữ vững lập trường chống lại các hành động của Trung Quốc mà họ gọi là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực" và cảnh báo hai bên sẽ đẩy lùi nếu cần thiết.
Mỹ cũng tái khẳng định "cam kết kiên định" đối với quốc phòng của Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Theo đó, Washington sẽ can thiệp trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả các đảo có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.