| Hotline: 0983.970.780

Tuyển chọn giống bò cho năng suất từ 18 kg sữa tươi/ngày

Thứ Sáu 03/06/2022 , 18:53 (GMT+7)

Bên cạnh các giải pháp về chuồng trại, việc tuyển chọn giống bò cao sản được xem là hướng đi giúp nâng cao sản lượng sữa cho thị trường nội địa.

Để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả, người dân được khuyến khích nuôi bò với số lượng lớn, tối thiểu 10 con/hộ. 

Để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả, người dân được khuyến khích nuôi bò với số lượng lớn, tối thiểu 10 con/hộ. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, tổng đàn bò sữa tăng trưởng bình quân 3,77 %. Đến 31/12/2021, đàn bò sữa đạt 375.000 con.

Năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2020 đạt trên 5.300 kg/con/năm. Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đánh giá, con số này khá cao so với các nước có có điều kiện tương đương.

Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao, năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò sữa nhỉnh hơn, dao động từ 26,1 kg/con/ngày (tương ứng khoảng 7.960 kg/chu kỳ tiết sữa) đến 28,35 kg/con/ngày (tương ứng 8.647 kg/chu kỳ tiết sữa).

Cá biệt, nhiều con có thể đạt 11.000 kg trong một chu kỳ tiết sữa (305 ngày).

Trong bối cảnh, tốc độ tăng số lượng đàn bò chậm hơn so với nhu cầu của thị trường nội địa, việc nâng cao năng suất sữa là vấn đề rất được quan tâm.

Bên lề “Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3” tại Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn ủng hộ quan điểm này. Ông Sơn cho biết, thành phố định hướng duy trì ổn định đàn bò sữa tại các xã chăn nuôi trọng điểm, với số lượng tổng khoảng 15.000 con.

Tuy nhiên, Hà Nội sẽ tăng cường tuyển chọn, giữ lại các con giống có năng suất từ 18 kg sữa tươi/ngày trở lên để phục vụ nhu cầu nội địa.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn.

Thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa xa khu dân cư, trong trang trại chăn nuôi tập trung tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây; hoặc tại vùng đồi gò và vùng bãi bồi ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp (khoảng 500.000 đến 1 triệu ha) sang thâm canh trồng cỏ và phục vụ thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò sữa", ông Sơn nói.

Tính đến đầu năm 2021, đàn bò sữa tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ, với 106.283 con, chiếm 32,07 % nhưng có xu hướng giảm. Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 26,23 %.

10 tỉnh có số lượng bò sữa cao nhất lần lượt, là TP.HCM (87.420 con), Nghệ An (69.062 con), Sơn La (26.156 con), Lâm Đồng ( 24.410 con), Long An (19.142 con). Vĩnh Phúc (15.548 con), Hà Nội (15.443 con), Tây Ninh (13.591 con), Thanh Hóa (11.765 con) và Sóc Trăng (8.746 con).

Hiện chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đứng đầu Đông Nam châu Á về mức độ công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, chế biến sữa. Năng suất sữa bình quân của đàn bò cũng đứng đầu khu vực.

Một số công nghệ nâng cao chất lượng, sản lượng sữa, cũng như nguyên liệu phụ gia sử dụng trong ngành sữa được giới thiệu tại “Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3”, diễn ra từ ngày 31/5 đến 4/6. 

PGS. TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, triển lãm là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, làm cầu nối cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng hợp tác đầu tư, trao đổi khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho 100 triệu dân vào năm 2025.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Khoai tây trước cơ hội thành cây vụ đông chủ lực của Hà Nội

Đứng trên bờ nhìn cánh đồng khoai tây rộng 10ha của xã Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội) chưa thỏa, nhiều bà con còn tò mò xuống bới củ, sờ hoa, sờ lá.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.