Bảo vệ bền vững
Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang luôn xác định bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không chỉ đối với Tuyên Quang mà cả vùng hạ du.
Từ những năm trước đây cho tới giai đoạn hiện nay tỉnh Tuyên Quang luôn xác định muốn bảo vệ và phát triển được rừng phải đảm bảo cuộc sống cho người dân, nghề rừng phải góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống; rừng phải có chủ thực sự. Xuất phát từ chủ trương đó, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã 3 lần thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; việc phân định, cắm mốc ranh giới được thực hiện trên thực địa làm cơ sở để thực hiện giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để quản lý, bảo vệ và trồng rừng.
Ông Chẩu Văn Lâm (thứ hai từ trái sang) - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - thăm dây chuyền sản xuất gỗ tại Cty CP Woodsland |
Quan tâm chăm lo, bảo đảm các điều kiện sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân sống ở gần rừng; bằng nhiều giải pháp tổng hợp như tạo quỹ đất sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất, giải quyết tốt nước tưới để nâng cao năng suất rừng trồng; khuyến khích, thuê khoán người dân tham gia tuần rừng, bảo vệ rừng để có thêm thu nhập; vận động nhân dân thay thế vật liệu làm nhà thay cho gỗ. Đồng thời đa dạng các hình thức tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng.
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Hiện nay toàn tỉnh có 40 trạm kiểm lâm và 40 chốt bảo vệ rừng. Trong điều kiện biên chế của lực lượng kiểm lâm còn mỏng, mặc dù nguồn ngân sách khó khăn nhưng hằng năm tỉnh vẫn bố trí hơn 4 tỷ đồng để ký hợp đồng với gần 100 người lao động hỗ trợ lực lượng kiểm lâm. Kiểm lâm và tuần rừng được bố trí làm nhiệm vụ tại các chốt bảo vệ rừng đặt sâu trong vùng lõi của các khu rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng.
Một điểm quan trọng là cùng với lực lượng kiểm lâm, tỉnh đã thành lập 1.916 tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở các thôn, bản với hơn 18.000 thành viên; 137/137 xã, phường, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp đã thành lập ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Về thể chế công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được cụ thể hóa bằng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân liên quan. Rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản, không để lợi dụng khai thác, buôn bán, chế biến lâm sản trải phép.
Từ những chính sách và giải pháp phù hợp
Đi đôi với việc làm tốt công tác bảo vệ rừng, cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn trăn trở làm sao nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, người dân có thể sống từ nghề rừng và tiến tới làm giàu.
Đối với rừng tự nhiên, tỉnh thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên; quản lý nghiêm ngặt rừng tự nhiên, nhất là rừng đặc dụng, phòng hộ, đồng thời khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi và từng bước khai thác phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Đối với rừng sản xuất, tỉnh cụ thể hóa và ban hành một số chính sách phù hợp như hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao... Tỉnh đã triển khai dự án sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với công suất 1,5 triệu cây giống/năm. Thực hiện xã hội hóa việc sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng cây giống, đảm bảo cung cấp cây giống có chất lượng cao đủ tiêu chuẩn phục vụ cho trồng rừng. Ứng dụng khoa học công nghệ, rút ngắn chu kỳ và nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Tuyên Quang triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng (FSC), nhờ đó giá trị gỗ rừng trồng tăng khoảng 15%. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng của tỉnh được cấp chứng chỉ là 18.335 ha (xếp thứ 2 cả nước sau tỉnh Quảng Bình). Nhiều hộ dân đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Trong tổng số 509 hộ trồng rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, nhiều hộ mỗi năm đã có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, một số doanh nghiệp có năng lực đã đầu tư các dự án chế biến lâm sản công suất lớn như Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, hai nhà máy chế biến gỗ của Cty CP Woodsland... Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất lâm nghiệp, tỉnh triển khai sắp xếp 5/5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý theo hướng cổ phần hóa hoặc chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên để huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư, thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa nhà máy chế biến gỗ với chủ rừng, tạo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.
Cty CP nguyên liệu giấy An Hòa đang thực hiện chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu bằng hình thức hỗ trợ cây giống cho nhân dân trong vùng quy hoạch. Từ năm 2012 đến nay, công ty đã hỗ trợ cho 1.128 hộ gia đình trồng hơn 2.215ha rừng. Cty CP Woodsland Tuyên Quang đã liên kết với các công ty lâm nghiệp và các hộ gia đình thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 18.335ha rừng sản xuất. Công tác thu mua nguyên liệu ngày càng ổn định, đến nay Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa có công suất tiêu thụ hơn 500.000 tấn nguyên liệu giấy/năm, Cty CP Woodsland khoảng 600.000 tấn nguyên liệu/năm, Nhà máy đũa Phúc Lâm khoảng 10.000m3 gỗ/năm…
Hướng tới hình mẫu về phát triển lâm nghiệp
Quyết tâm giữ rừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giúp Tuyên Quang giữ được nhiều cánh rừng nguyên sinh, đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng, là môi trường sống lý tưởng của các loài động, thực vật quý hiếm, thu hút được các tổ chức, nhà khoa học trên thế giới kêu gọi nguồn vốn đầu tư bảo tồn. Đó là khu dự trữ thiên nhiên Na Hang với diện tích 67.893ha, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Cham Chu với diện tích 15.262ha, Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào với diện tích 3.892ha. Các khu rừng ở đây có nhiều loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài và nhiều cây thuốc quý; nhiều loài chim, thú quý được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới như cu li, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng…
Do thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nên hệ sinh thái rất đa dạng. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, hằng năm trồng trên 10.000ha rừng; năm 2011, tổng diện rừng 390.147ha, tỷ lệ che phủ rừng 61,8%, đến nay, tổng diện tích đất có rừng đã lên 417.040ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,9%. Giữ được tính đa dạng của hệ sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng nên trên địa bàn tỉnh ít xảy ra lũ ống, lũ quét, đồng thời bảo đảm sinh thủy cho các nhà máy thủy điện và góp phần điều tiết nguồn nước, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du.
Hằng năm, tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng khoảng 4,5%/năm. Tuyên Quang cũng là địa phương được Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT đánh giá đi đầu cả nước về trồng rừng theo mùa vụ hiệu quả. Hơn 100.000 lượt lao động có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, trên 8.000 hộ nghèo được tham gia các chương trình dự án lâm nghiệp, hàng trăm hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng.
Thành tựu của ngành lâm nghiệp Tuyên Quang hôm nay là sự phát huy truyền thống đoàn kết, là sự tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân Tuyên Quang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang chung sức phấn đấu để Tuyên Quang trở thành “hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước” như kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.