Đại học Công giáo Argentina (UCA) hôm 18/2 công bố báo cáo điều tra cho thấy tỷ lệ đói nghèo đã tăng từ 44,7% trong quý III/2023 lên 49,5% vào tháng 12/2023 và 57,4% vào tháng 1/2024. Báo cáo của UCA ước tính có gần 27 triệu người Argentina nằm trong ngưỡng nghèo đói, trong đó 7 triệu người trong cảnh bần cùng.
UCA cũng dự báo tỷ lệ đói nghèo sẽ còn gia tăng trong những tháng tới vì lương hưu và các khoản trợ cấp hưu trí và thất nghiệp tới thời điểm này vẫn chưa tăng so với tháng 1/2024. Trong khi, giá vé các phương tiện giao thông công cộng đã tăng từ 2 - 4 lần từ đầu tháng 2/2024.
Sự mất giá của đồng nội tệ sau khi chính quyền của Tổng thống Javier Milei quyết định phá giá tới 50% đồng peso và sự leo thang mất kiểm soát của giá các sản phẩm trong giỏ hàng hóa thiết yếu làm suy giảm đáng kể sức mua ở tầng lớp trung lưu, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, là nguyên nhân khiến tỷ lệ người nghèo tại Argentina gia tăng đáng kể chỉ sau 2 tháng nắm quyền của Chính phủ mới.
Tuần trước, Chính phủ cũng đã bác đề xuất tăng lương tối thiểu từ 156.000 peso (195 USD) lên 288.000 peso từ ngày 1/2 theo yêu cầu của Tổng liên đoàn Lao động Argentina (CGT). Mức tăng này nhận được sự đồng tình của các tổ chức công đoàn song vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp lớn cũng như từ Bộ Lao động Argentina.
Theo UCA, tại thủ đô Buenos Aires, một người với mức thu nhập 193.146 peso và một gia đình với tổng thu nhập 596.823 peso sẽ được coi là người nghèo hoặc hộ nghèo.
Bình luận về thông tin này trên mạng xã hội X, Tổng thống Milei đổ lỗi cho mô hình trợ giá nhu yếu phẩm của Chính phủ tiền nhiệm đã "khiến 6/10 người Argentina rơi vào cảnh đói nghèo" và đây là "sự tán phá tệ hại nhất trong thế kỷ qua".
Trong nỗ lực giải quyết thâm hụt ngân sách, chính quyền Tổng thống Milei đã dừng gia hạn hợp đồng lao động và sa thải hàng nghìn công chức, cắt giảm trợ cấp đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản, bỏ trợ giá phương tiện giao thông công cộng và xăng dầu, cũng như nhiều trợ cấp xã hội và dịch vụ y tế công. Việc cắt giảm này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội và người lao động.