| Hotline: 0983.970.780

Tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não tại Việt Nam còn khá khiêm tốn

Thứ Hai 30/12/2024 , 15:55 (GMT+7)

TP.HCM Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6-8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người. Tuy nhiên, tỉ lệ hiến tạng Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình 'Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 30/12, tại TP.HCM, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.HCM, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ Phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi".

Chương trình nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về việc hiến mô, tạng - một nghĩa cử cao đẹp góp phần mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân. Thông qua sự kiện, Ban Tổ chức kêu gọi sự tham gia đăng ký hiến mô, tạng tự nguyện của người dân trên cả nước.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam hiện đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật ghép các loại tạng với các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Qua đó, tỷ lệ sống cao và chi phí phù hợp, đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn; có tác động lớn trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Tính từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992 đến nay đã có 9.297 ca ghép tạng được thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Sự thành công của các ca ghép tạng này cho thấy, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả giữa các bộ phận tham gia trong quá trình ghép tạng.

Cùng với đó, các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện liên tiếp ra đời; nhân viên được tập huấn kiến thức tăng nhận diện người chết não tiềm năng và thuyết phục gia đình; tăng năng lực chấn đoán, hồi sức khi chết não", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Tuy nhiên, tỉ lệ hiến tạng Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi đó tỉ lệ ghép lại cao nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm. Tại các nước phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc... tỉ lệ hiến tạng sau chết chiếm hơn 90%.

"Danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài, mỗi ngày có rất nhiều người không có tạng để ghép, có người chờ được, có người ra đi trong tuyệt vọng vì không có tạng để ghép.

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6-8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam có từ 10 đến 12 hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hằng năm (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng).

Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động đăng ký hiến mô tạng trong bệnh viện. Chủ động phát hiện các ca chết não tiềm năng để tư vấn hiến tặng mô tạng; chẩn đoán, hồi sức chết não hiến tặng mô tạng vào hoạt động thường quy của bệnh viện; từng bước xây dựng văn hóa hiến tặng mô tạng trong bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, gửi lời biết ơn sâu sắc đến những người hiến tặng mô tạng; những người đã rời xa cuộc đời, thân xác đã trở về cát bụi nhưng một phần cơ thể họ đã giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mà ghép tạng là cứu cánh cuối cùng.

Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhìn nhận, lĩnh vực hiến, ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

"Với sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của đơn vị, cá nhân; với giải pháp cơ bản là truyền thông vận động, thay đổi hành vi của cộng đồng, cùng với sự năng động, tích cực của hệ thống bệnh viện…, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là điểm sáng trên bản đồ hiến, ghép tạng thế giới, tiếp tục hồi sinh cho nhiều cuộc sống", bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

8 thực phẩm giúp giữ ấm và tăng cường miễn dịch mùa lạnh

Trong những ngày Đông giá rét, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp giữ ấm mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.