Ứng dụng duy nguyên nguồn gốc bằng Blockchain ngay tại hội thảo |
Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu”, ngày 7/9, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản” do Quỹ Châu Á phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) tổ chức.
Theo ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm PTNT – Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, tháng 9/2017, những lô hàng thanh long đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Australia đã đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ của trái thanh long.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ nông dân và các tác nhân tham gia trong chuỗi xuất khẩu thanh long của Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu, hình ảnh, cũng như cung cấp cho khách hàng các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng thông qua xây dựng hệ thống truy xuất dựa trên công nghệ blockchain.
“Sự phát triển của thương mại quốc tế tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Người tiêu dùng không những có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu mà cũng đòi hỏi các thực phẩm này phải an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc”, ông Huấn cho biết.
Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm PTNT – Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu khai mạc hội thảo |
Đối với các nhà sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đòi hỏi các thông tin chính xác và tin cậy về sản phẩm phải được cung cấp tới người mua và người tiêu dùng cuối cùng. Xu hướng tiêu dùng này mang tới cho nông sản Việt Nam cả cơ hội xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, nhưng cũng có những thách thức không nhỏ về công nghệ còn hạn chế và nhu cầu đầu tư cho nâng cấp hệ thống quản lý.
Chuyên gia quốc tế chia sẻ về công nghệ Blockchain |
Với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, dự án đã được triển khai thí điểm trên chuỗi thanh long xuất khẩu sang thị trường Australia. Cụ thể, Dự án đã triển khai khảo sát chuỗi cung ứng thanh long tại 2 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu thanh long sang Australia. Đó là Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka và Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit...
Ông Justin Baguley, tham tán Ban Kinh tế và Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ: “Điểm đặc biệt của Dự án là hướng tới tính bền vững, khả năng nhân rộng và khả năng mở rộng quy mô”.
Trên tinh thần đó, Hội thảo này chính là diễn đàn mở để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các đối tác phát triển và các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu cùng thảo luận về triển vọng áp dụng đối với các nông sản khác của Việt Nam và cải thiện tính minh bạch và xây dựng nhận diện thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng.