| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ cao sản xuất muối tinh cho dược phẩm

Thứ Tư 09/01/2019 , 14:50 (GMT+7)

Qua nhiều công đoạn lắng, lọc, xử lý tạp chất; nước biển được bơm vào nhà kính làm cho bốc hơi và muối sạch được kết tinh. Muối được đưa vào hệ thống thiết bị xay nghiền, sấy khô để đạt tiêu chuẩn dùng cho sản xuất dược phẩm, thực phẩm cao cấp.

Được tài trợ kinh phí từ một dự án cấp quốc gia, Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định đầu tư dây chuyền chế biến muối cao cấp hay còn gọi là muối tinh tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

14-35-45_nh_my_che_bien_muoi_tinh_cu_cong_ty__hl
Nhà máy chế biến muối tinh của Cty

Để có nguyên liệu cho nhà máy, nước biển được đưa vào ruộng muối 4ha ở tận xã Mỹ Thành, cách đó khoảng hơn 2km. Ruộng muối được chia ra nhiều ô để lắng cặn, loại bớt tạp chất, phơi nắng để nước bốc hơi thành nước biển đậm đặc, có hàm lượng muối cao. Sau đó bơm, dẫn về bể chứa của nhà máy.

Từ bể này nước mặn sau xử lý được đưa lên các bồn lắng bằng nhựa, composit, sau đó lại tiếp tục xử lý bằng hóa chất, lắng lọc rồi cho qua hệ thống xử lý bằng vật liệu Nano. Cuối cùng là cho nước “nguyên liệu” đã được xử lý không còn tạp chất, vi sinh này vào các khay chứa trong nhà kính có diện tích 1.000 m2.

Nhờ ánh nắng mặt trời, nhà kính hấp thu nhiệt độ và tỏa ra từ 39- 40 độ C. Từ đó nước các ô chứa trong nhà kính bốc hơi và thoát ra ngoài theo các cửa được bố trí hợp lý. Nếu đứng trước cửa hay vào trong nhà kính ta cũng cảm nhận được hơi nóng bốc ra như đang trong phòng xông hơi vậy. Tùy thời tiết, nắng nhiều hay ít, sau thời gian khoảng 10 - 15 ngày thì muối kết tinh, cho thu hoạch.

Nếu so với muối sản xuất thủ công truyền thống hay muối trải bạt, muối trong nhà kính khá sạch, bởi được bao che kín xung quanh, không có côn trùng, bụi bặm nào xâm nhập.

Muối trong nhà kinh sau khi thu hoạch được đưa vào hệ thống thiết bị đặt gần đó xử lý để tạo ra muối tinh khiết.

14-35-45_nh_kinh_ket_tinh_muoi_cu_cong_ty_hl
Nhà kính kết tinh muối của Cty

Hệ thống thiết bị này là một dây chuyền sản xuất. Từ muối hạt kết tinh trong nhà kính đem xay nhỏ, sấy khô đạt tiêu chuẩn quy định để thành muối tinh thành phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Cty: Hệ thống thiết bị sản xuất muối tinh có công suất từ 2,5 - 3 tấn muối tinh/giờ. Sau khi sản xuất thử nghiệm thì sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn quy định. Loại muối này sẽ được cung cấp cho các công ty dược phẩm, trong đó Cty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định bao tiêu phần lớn. Ngoài ra loại muối này còn cung cấp cho các ngành sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm cao cấp khác. Muối tinh bán ra của Cty cũng bằng giá mua từ nước ngoài từ 4,5 - 5 ngàn đồng/kg.

Ông Thông còn cho biết, hiện nay ngành sản xuất dược phẩm Việt Nam đều nhập muối tinh cao cấp từ nước ngoài, chưa có nơi nào sản xuất trong nước, giá khoảng 4,5- 5 ngàn đồng/kg. Loại muối tinh này được dùng để sản xuất dịch truyền, nước muối sinh lý, dùng trong công nghệ mát xa, xông hơi, ngâm chân, ….

Bởi liên quan đến sức khỏe con người nên loại muối tinh này được kiểm soát rất chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu là nước biển. Tại Cty, nước mặn được lấy trong đầm Đề Gi. Nơi đây có nguồn nước từ các sông chảy về, từ nước trên mặt đất hòa vào nên có khá nhiều nguy cơ nhiễm chất hữu cơ, kim loại nặng, hóa chất… Do đó nguồn nước phải được kiểm tra thường xuyên, bằng cách lấy mẫu phân tích. Nguồn nước đạt các tiêu chuẩn cho phép mới được đưa vào sản xuất.

14-35-45_thiet_bi_sy_tu_dong_cu_he_thong_sn_xut_muoi_tinh_tiet_kiem_nng_luong_tl
Thiết bị sấy tự động của hệ thống SX muối tinh tiết kiệm năng lượng

Dự án có 50ha ruộng muối ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Tài (Phù Mỹ), Cát Minh (Phù Cát), trong đó 5 ha do Cty sản xuất, còn lại dự án hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật cho diêm dân làm quen với quy trình sản xuất muối trải bạt.

Thay vì nền đất nện như làm muối truyền thống, vải bạt nhựa được lót ở đáy ruộng muối. Nước biển sau khi qua các bể lắng lọc, xử lý tạp chất được đưa vào ô trải bạt. Nhờ ánh nắng mặt trời, muối kết tinh thành muối sạch, không lẫn đất, tạp chất hữu cơ. Cái lợi nữa là sản xuất theo kiểu này diện tích ruộng muối rộng, ít tốn công lao động cho nước vào, đầm nén nền đất, thu hoạch. Tuy vậy loại muối này chất lượng sạch, tinh không bằng muối kết tinh trong nhà kính như đã nói ở trên.

Muối trải bạt được dùng làm muối i-ốt, muối hầm, dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm cho người, cho gia súc…

Lâu nay diêm dân sản xuất muối theo kiểu truyền thống, tức là cho kết tinh muối trên nền đất nện, sản xuất trên ô ruộng diện tích nhỏ (khoảng 500m2), vừa tốn công lao động mà năng suất không cao, khoảng 95 - 100 tấn/ha. Bên cạnh đó muối có lẫn tạp chất nên giá bán thấp. Tùy theo thời điểm giá cao hay thấp, riêng năm nay giá khoảng 1.000đ/kg. Trong khi đó sản xuất theo cách trải bạt, năng suất từ 120 - 130 tấn/ha, giá bán từ 1.400 - 1.500 đ/kg. Nếu tính ra sản xuất muối trải bạt lãi hơn cách sản xuất muối truyền thống trên 35 triệu đồng/ha (1,5 lần).

Hỗ trợ tấm bạt, kỹ thuật ban đầu của dự án cho diêm dân để họ làm quen với cách sản xuất mới tăng năng suất, tăng lợi nhuận, dần dần thay đổi cách sản xuất truyền thống kém hiệu quả.

14-35-45_muoi_tinh_co_cp_do_cong_ty_sn_xut_hl
Muối tinh cao cấp do Cty sản xuất

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Cty: Nếu muối trải bạt của diêm dân làm đúng kỹ thuật, chất lượng tốt, bao nhiêu Cty cũng bao tiêu hết với giá thị trường. Mỗi năm Cty chế biến trên 10 ngàn tấn muối các loại. Muối tinh khiết đủ tiêu chuẩn thì cung cấp cho các công ty dược phẩm, còn các loại muối khác Cty chế biến thành muối i-ốt, muối tôm, muối tinh cao cấp… Ngoài ra còn cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, các ngành công nghiệp, vật tư khác.

Công nghệ sản xuất muối từ nhà kính nếu hoàn thiện Cty sẽ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu. Tuy vậy, theo ông Thông, khi nhà máy muối tinh đi vào hoạt động thương mại, cần tính toán lại giá thành với giá bán. Nếu có lãi sẽ phát triển tại chỗ công nghệ sấy muối bằng nhà kính này để cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước, tránh nhập ngoại.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.