Bức xúc vì phải đối phó với mưa lũ 1 cách thụ động, khiến trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các công trình hồ chứa trên địa bàn trở nên khó khăn hơn, nhiều năm qua, Cty KTCTTL Bình Định ứng dụng các tiến bộ KHKT vào việc vận hành hồ đập bằng những thiết bị tự động hóa, trong đó có quan trắc mưa tự động, nhằm kiểm soát mưa lũ. Đây là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ và làm giảm áp lực cho cơ quan quản lý cũng như giảm thiểu thiệt hại phía hạ lưu do mưa lũ gây ra.
Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định, khẳng định: “Kiểm soát được lượng mưa là kiểm soát được lũ”. Do đó, trong 2 năm qua, Cty đã lắp đặt 16 trạm đo mưa tự động tại các hồ chứa lớn xung yếu. Trong đó, riêng hồ Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có lưu vực rộng hơn 1.000m2, dung tích hơn 226 triệu m3, được lắp đặt 6 trạm đo mưa tự động, 1 trạm đặt tại đầu đập, 3 trạm trong lưu vực hồ chứa và 2 trạm trong khu tưới. 10 hồ chứa lớn xung yếu khác như: Núi 1, Thuận Ninh, Hội Sơn… được lắp đặt mỗi mỗi hồ 1 trạm tại đầu đập.
Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định, chỉ cần mở điện thoại là đã có thể biết được lượng mưa ở lưu vực các hồ chứa do các trạm đo mưa tự động cập nhật |
Được UBND tỉnh đồng ý, Cty TNHH KTCTTL Bình Định đã trích từ nguồn thủy lợi phí “sắm” 6 trạm đo mưa tự động đặt tại hồ Định Bình, mỗi trạm mất khoảng 200 triệu đồng. Các trạm đo mưa tự động cho thấy hiệu quả rõ rệt, vậy là Cty KTCTTL Bình Định thuê thêm của đơn vị chức năng của TW 10 trạm đặt ở 10 hồ chứa khác.
“Riêng 6 trạm Cty bỏ kinh phí ra lắp đặt, sau khoản đầu tư ban đầu, mỗi năm Cty phải chi ra vài ba trăm triệu để duy tu bảo dưỡng, thay pin, trả công nhân viên trông coi. Do chúng được đặt giữa rừng sâu, trong lưu vực đầu nguồn của hồ nên cần phải bảo dưỡng thường xuyên. Còn 10 trạm thuê của đơn vị tư vấn thì Cty phải trả tiền thuê hơn 150 triệu đồng/năm/10 trạm nữa”, ông Phú cho biết.
Số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng hiệu quả các trạm đo mưa tự động mang lại còn lớn hơn. Từ lượng mưa bình quân, ngành chức năng sẽ tính ra lũ đi về các hồ chứa, không như trước đây phải đợi lũ về đến đập mới biết lưu lượng lũ, đến khi ấy thì… trở tay không kịp.
“Ví như mưa ở trạm Sơn Lang đặt tại lưu vực đầu nguồn của hồ Định Bình thuộc huyện Kbang (Gia Lai) đo được lượng mưa từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa là 300mm, nước từ Sơn Lang đổ về đến hồ phải mất 7 giờ đồng hồ, trong quãng thời gian này chúng tôi đã biết được lượng lũ sẽ về hồ với lưu lượng là bao nhiêu. Căn cứ vào đó chúng tôi đề xuất với Sở NN-PTNT, Sở đề xuất tỉnh giải pháp làm giảm đỉnh lũ và giảm lũ về hạ lưu. Trước đây, khi chưa có các trạm đo mưa tự động, ở Bình Định không mưa nhưng ở Sơn Lang mưa trắng trời, khi lũ về bất ngờ, phải chạy “vắt chân lên cổ” để đối phó”, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.
Trong thời gian tới, 10 hồ chứa lớn đã được lắp đặt tại đầu đập mỗi hồ 1 trạm đo mưa tự động sẽ được lắp bổ sung mỗi hồ 1 trạm nữa trên lưu vực hồ. Riêng hồ Định Bình do lưu vực quá lớn, đến hơn 1.000m2, nên cũng cần lắp đặt thêm 4 – 5 trạm nữa trong lưu vực, để đo lượng mưa bình quân chính xác hơn, đồng nghĩa tính ra được lưu lượng lũ chính xác.
“Sở NN-PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh Bình Định và tỉnh cũng đã đề xuất lên TW và đã được Bộ NN-PTNT chấp thuận. Chậm nhất là đầu năm 2019 các trạm bổ sung sẽ được lắp đặt”, ông Phú cho hay.
Trạm đo mưa tự động ở hồ Định Bình |
Chưa dừng lại ở đó, Cty KTCTTL Bình Định đang liên hệ với Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) để đơn vị này thiết kế 1 phần mềm “tính lũ” riêng cho hồ Định Bình. Phần mềm này do 1 người Việt Nam đang làm việc cho tập đoàn thiết kế, ông Hà Nhật Tuấn.
Theo ông Phú, sau khi phần mềm này cập nhật được lượng mưa bình quân từ các trạm đo mưa tự động đặt trong lưu vực, chỉ 5 phút sau là phần mềm sẽ tính ra mô hình lũ sẽ về hồ. Hoặc từ dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn về lượng mưa trên địa bàn Bình Định trong 2 – 3 ngày tới, phần mềm sẽ “đọc” được lượng mưa trong lưu vực hồ Định Bình và đưa ra thời gian nào lũ sẽ đạt đỉnh và thời gian nào lũ sẽ giảm. Khi đã biết trước mô hình lũ sẽ diễn ra trước 2 – 3 ngày, ngành chức năng quản lý hồ đập sẽ chủ động được phương án đối phó.
“Khi đã nắm trước mô hình lũ, lúc ấy chúng tôi chỉ mỗi việc tính toán vận hành xả nước đón lũ, chủ động giảm lượng nước trong hồ để hồ có khoảng trống, khi lũ về thì “nhốt” lũ lại để làm giảm đỉnh lũ và giảm lưu lượng lũ về hạ lưu. Phần mềm sẽ khai thác hết tính ưu việt của các trạm đo mưa tự động”, ông Phú khẳng định. |