Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 15/1, ông Rubio, người được ông Trump đề cử cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ trong chính phủ sắp tới, cho rằng chấm dứt xung đột Ukraine nên là ưu tiên hàng đầu của Washington.
"Không đời nào Nga kiểm soát toàn bộ Ukraine. Điều đó sẽ không xảy ra", ông Rubio nói. "Ukraine cũng không thể đẩy lùi quân đội Nga khỏi các lãnh thổ đã mất", ông nói thêm, lưu ý đến sự khác biệt về quy mô quân đội và dân số của hai nước.
Vấn đề của Ukraine không phải là cạn kiệt tài chính, mà là "cạn kiệt nhân lực", ông Rubio nhấn mạnh.
Ông cho biết hàng triệu người Ukraine hiện đang sống ở nước ngoài và có thể không quay trở lại, vì cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của đất nước đã bị tàn phá và sẽ mất nhiều thập kỷ và hàng trăm tỷ USD để tái thiết.
Quốc hội Mỹ đã phân bổ gần 175 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột leo thang vào tháng 2/2022, trong đó khoảng 65 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp. Tuy nhiên, chính quyền sắp mãn nhiệm "chưa bao giờ vạch ra rõ mục tiêu cuối cùng của cuộc xung đột là gì", ông Rubio nói với các thượng nghị sĩ.
"Chính xác thì chúng ta đã tài trợ cái gì? Chính xác thì chúng ta đã đặt tiền vào điều gì? Trong nhiều trường hợp, điều này dường như sẽ kéo dài vô tận. Đó không phải là một quan điểm thực tế hay thận trọng", ông nói.
Theo ông Rubio, đàm phán hòa bình sẽ là "công việc khó khăn" và đòi hỏi "chính sách ngoại giao táo bạo", cùng với sự nhượng bộ của cả Ukraine và Nga.
"Điều quan trọng nữa là phải có sự cân bằng ở cả hai bên. Về bản chất, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu ngừng bắn và cuối cùng là một giải pháp hòa bình trừ khi cả hai bên đều có đòn bẩy", ông kết luận.
Ukraine đã cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tại vị. Moscow cho biết họ sẵn sàng đàm phán nhưng các điều khoản để chấm dứt xung đột liên quan đến việc đảm bảo rằng Ukraine sẽ là một quốc gia trung lập, phi quân sự hóa, đảm bảo tất cả các quyền công dân của người nói tiếng Nga và công nhận những thay đổi lãnh thổ trên thực địa.