| Hotline: 0983.970.780

Vacxin cung ứng chậm kéo tụt tỷ lệ tiêm phòng đàn vật nuôi

Thứ Ba 22/08/2023 , 09:44 (GMT+7)

Tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại Quảng Trị những năm gần đây tỷ lệ thường thấp, nguyên nhân phần lớn do cung ứng vacxin chậm.

Tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm tại Quảng Trị những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm tại Quảng Trị những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Tại huyện Đakrông, kết thúc tiêm phòng vụ xuân, địa phương này chỉ tiêm được khoảng 60% tổng đàn gia súc, gia cầm, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 đến 30%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc cung ứng vacxin chậm hơn những năm trước.

Ông Hoàng Đình Chiến, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Đakrông cho biết, những năm trước, Chi cục Chăn nuôi Thú y và huyện cung ứng vacxin vào tháng 3,4 để tiêm phòng vụ xuân nhưng năm nay chậm hơn 1-3 tháng. Vì vậy, việc tiêm phòng bị gián đoạn, công tác tổ chức gặp rất nhiều khó khăn.

“Bây giờ hoạt động theo cơ chế Một cửa nhưng không hiểu sao nguồn vacxin về rất chậm. Là địa phương miền núi, bình thường tiêm phòng các loại vacxin đã khó nay lại về chậm và gián đoạn khiến chính quyền và ngành thú y rất khó triển khai”, ông Chiến cho hay.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, tính đến đầu tháng 8/2023, tỷ lệ tiêm vacxin tụ huyết trùng trâu, bò chỉ đạt trên 32%, lở mồm long móng trâu bò trên 60%, viêm da nổi cục trâu bò gần 43%, kép lợn gần 80%, dại chó gần 70%, cúm gia cầm 46% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tiêm phòng gia súc gia cầm năm 2023 thấp hơn cùng kỳ 2022 và chưa đạt mục tiêu kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Điều này khiến ngành chăn nuôi thú y Quảng Trị hết sức lo lắng.

Theo ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị, nguồn vacxin do Chi cục cấp cho các địa phương có chậm do cơ chế đấu thầu hiện rất chặt chẽ. Tuy nhiên, chính các địa phương lại cung ứng vacxin chậm hơn. Các huyện Gio Linh, Đakrông và Hướng Hóa có tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp và chậm triển khai. Một số loại vacxin được hỗ trợ, tỷ lệ tiêm phòng cao hơn những loại vacxin người dân tự bỏ tiền ra mua.

Ông Hậu cũng cho biết thêm, một thực tế đang xảy ra là khi UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đăng ký vacxin để làm kế hoạch, một số huyện đăng ký cao nhưng triển khai lại được tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân, do biến động đàn và tập quán thả rông gia súc trong rừng ở một số vùng miền núi khiến việc tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền một số địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo công tác tiêm phòng gia súc gia cầm.

Cùng với việc cung ứng vacxin chậm, tập quán thả rông gia súc trong rừng khiến công tác tiêm phòng gia súc gia cầm tại các huyện miền núi Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Cùng với việc cung ứng vacxin chậm, tập quán thả rông gia súc trong rừng khiến công tác tiêm phòng gia súc gia cầm tại các huyện miền núi Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

“Những loại vacxin tỉnh hỗ trợ, Chi cục đã cung ứng kịp thời. Còn dưới huyện, có huyện quan tâm làm sớm, huyện làm muộn dẫn đến tiêm không đạt tiến độ. Cái này phụ thuộc, quản lý không được, khó quá. Một số loại vacxin dân tự mua tiêm mình cũng không kiểm soát được. Sở cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết không lập danh sách đề nghị hỗ trợ đối với những hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm để xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy theo quy định”, ông Hậu cho hay.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách và kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vacxin từ nguồn ngân sách huyện để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng năm 2023 của địa phương.

Ngành nông nghiệp Quảng Trị cũng yêu cầu UBND các huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc gia cầm. Các huyện cũng sẽ đưa nhiệm vụ tiêm phòng lồng ghép với nội dung xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và là chỉ tiêu thi đua, xếp loại cuối năm.

“Dù chậm nhưng các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Gio Linh phải khẩn trương hoàn thành tiêm phòng vacxin lở mồm long móng vụ xuân kết thúc trước ngày 15/8 để triển khai và hoàn thành tiêm phòng vụ thu trước ngày 15/12/2023. Các địa phương không hoàn thành chỉ tiêu, theo đề nghị của ngành nông nghiệp sẽ tính vào kết quả xếp loại cuối năm”, ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.