| Hotline: 0983.970.780

Vacxin là giải pháp hiệu quả nhất phòng chống bệnh viêm da nổi cục

Thứ Tư 30/03/2022 , 13:36 (GMT+7)

Phủ sóng vacxin được ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An xác định là giải pháp xử lý hiệu quả nhất bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Với sự nhập cuộc kịp thời của ngành nông nghiệp, bệnh viêm da nổi cục tại Nghệ An đã được kiểm soát, riêng năm 2022 chưa ghi nhận phát sinh ổ dịch nào. Ảnh: Việt Khánh.

Với sự nhập cuộc kịp thời của ngành nông nghiệp, bệnh viêm da nổi cục tại Nghệ An đã được kiểm soát, riêng năm 2022 chưa ghi nhận phát sinh ổ dịch nào. Ảnh: Việt Khánh.

Chưa ghi nhận ổ dịch nào trong năm 2022

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, năm 2021 toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 353 ổ dịch viêm da nổi cục, tập trung phần lớn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 21 huyện, thành, thị, thời gian phát bệnh kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8/2021.

Trong giai đoạn này, có đến gần 9.800 con gia súc mắc bệnh, số lượng trâu, bò buộc phải tiêu hủy là 2.416 con. Việc này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến ngân sách của tỉnh.

Hàng loạt nguyên nhân đã được xác định, khách quan có mà chủ quan cũng có. Thứ nhất, địa bàn Nghệ An trải rộng nhưng chăn nuôi trâu, bò quy mô nông hộ lại chiếm phần đa, tập tục thả rông vẫn là thói quen khó bỏ của số đông đồng bào miền núi, kéo theo công tác giám sát dịch bệnh và kế hoạch tiềm phòng gặp muôn vàn khó khăn.

Rào cản kế tiếp xuất phát từ việc khuyết chức danh thú y xã, nhiều địa phương lại không ký được hợp đồng thay thế, thiếu đi chiếc cầu nối hữu hiệu tức thì dẫn đến thực trạng lúng túng, khó kiểm sát.

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là một yếu tố đáng bàn, trên thực tế nhiều cơ sở vốn không dư dả ngân sách, nay phải ưu tiên phân bố cho công tác phòng chống đại dịch nên cơ bản đã sạch bách nguồn tiền, thành thử chẳng thể cáng đáng nổi một trong những nhiệm vụ sống còn của ngành chăn nuôi.

Cơ quan chuyên môn cũng xác định cũng có nguyên nhân chủ quan, trong quá trình thực hiện một số địa phương còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt, một số huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp như Kỳ Sơn, Quỳ Châu...

Khó khăn là thế, nhưng nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nên hàng loạt vấn đề khúc mắc đã được hóa giải, tình hình chung của dịch về sau cơ bản luôn trong tầm kiểm soát.

Đơn cử như huyện miền núi Con Cuông, chỉ trong vòng 1 tháng, dịch viêm da nổi cục đã xuất hiện ở 13/13 xã, thị trấn với 263 con trâu, bò mắc bệnh. Dù dịch bệnh chuyển biến khá nhanh nhưng cấp chính quyền và người dân đã kịp thời ứng phó bằng cách khẩn trương khoanh vùng, dập dịch ngay tại chỗ, kết hợp tổ chức tiêu độc khử trùng, kiểm soát trên diện rộng nên cơ bản không để xẩy ra điểm nóng, hạn chế lây lan trên diện rộng. Kết quả, chỉ 32 con bị chết, ngược lại 231 con khác được điều trị kịp thời.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An Ngô Đức Quỳnh khẳng định: Tiêm phòng vacxin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục. Năm 2021, toàn tỉnh tổ chức tiêm phòng được 249.210 liều vacxin viêm da nổi cục, nhờ đó các ổ dịch đã được khống chế, không phát sinh và lây lan. Riêng năm 2022 chưa ghi nhận ổ dịch viêm da nổi cục nào.

Đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục. Ảnh: Việt Khánh.

Đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục. Ảnh: Việt Khánh.

Không để nước đến chân mới nhảy

Kinh phí triển khai không mấy dư dả buộc tỉnh Nghệ An và ngành chăn nuôi phải phân tích, đánh giá chi tiết thực trạng, qua đó kịp thời xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để tạo sự chủ động cần thiết, trên tinh thần “phòng hơn chống”.

Theo đó, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5197/QĐ-UBND phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò giai đoạn 2022 - 2030” đã yêu cầu các địa phương gửi về Sở NN-PTNT (Qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 15/2 để phối hợp chỉ đạo thực hiện.

Mục tiêu của kế hoạch là hàng năm tổ chức tiêm phòng viêm da nổi cục cho trên 80% tổng đàn trâu, bò. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý hiệu quả trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Kiểm soát tốt tình hình nhằm giảm số ổ dịch trong năm 2022, phấn đấu các năm sau giảm 20% số xã có dịch so với năm liền kề trước đó. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt mục tiêu kiểm soát, ngăn chăn kịp thời mầm bệnh viêm da nổi cục từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Công tác phòng chống dịch bệnh động vật cấp bách là vậy, nhưng đến tháng 3/2022 mới có 13/21 huyện, thị xã trình kế hoạch theo Quyết định số 5197 của UBND tỉnh là: TX Thái Hòa, Quế Phong, Anh Sơn, Đô Lương, Quỳ Châu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đan, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn. Do đó, tỉnh Nghệ An cần có chế tài tài nhắc nhở, phế bình, xử lý nhưng địa phương còn rề rà nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kiên quyết trong công tác phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng nước đến chân mới nhảy.

Từ thực tiễn đặt ra, ngành chăn nuôi Nghệ An tiếp tục kiến nghị, đề xuất Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tiếp tục bố trí tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Đối với UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị bố trí kinh phí mua vacxin viêm da nổi cục để ứng phó khi dịch khẩn cấp xảy ra trên địa bàn các huyện thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Vùng đệm chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; Vùng ổ dịch, ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao và vùng nuôi có chợ buôn bán trâu, bò lớn.

Về phía UBND các huyện, thành, thị, bên cạnh công tác chỉ đạo, tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, phải bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cấp huyện. Các địa phương phải tổ chức kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm liên quan.

Trường hợp không có dịch viêm da nổi cục áp dụng theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Ngược lại, khi có bệnh bắt buộc chỉ được vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm từ trâu bò ra khỏi vùng dịch khi đã được tiêm vacxin tối thiểu 21 ngày, hoặc còn thời gian miễn dịch bảo hộ.

Công tác xử lý cũng đòi hỏi kĩ nẵng và kiến thức chuyên môn, người nuôi cần tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục 3 ngày/lần, kéo dài liên tục 3 tuần đối với các điểm nghi dịch. Tại khu vực nguy cơ cao tần suất giảm xuống, chỉ 1 lần/tuần, áp dụng trong 3 tuần.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.