Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục,… nhưng áp lực nhất là dịch tả lợn Châu Phi.
Loại bệnh dịch này xuất hiện chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi chung lợn với các loại vật nuôi khác. Chuồng trại thường được làm sơ sài, không đảm bảo vệ sinh, không cách ly với môi trường xung quanh, thậm chí là thả rông vật nuôi.
Ông Việt cho rằng, người chăn nuôi muốn làm tốt công tác phòng dịch, ngay từ khâu chuẩn bị chuồng trại cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, vệ sinh đúng kỹ thuật và khử trùng trước khi chăn nuôi. Tiếp đến, khâu lựa chọn giống cũng cần xem xét cẩn trọng, con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng vacxin đầy đủ các loại bệnh phổ biến.
Tỉnh Bắc Kạn ủng hộ người dân và doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, cách biệt với khu dân cư để các biện pháp phòng dịch tối ưu nhất.
Tuy nhiên, dù không khuyến khích, nhưng cũng phải thừa nhận, phần lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có khả năng đầu tư theo những tiêu chuẩn giống như các trang trại lớn.
Đối với loại hình này, ông Việt nhấn mạnh, việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, an toàn sẽ giúp hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, nền kinh tế cơ bản là sản xuất nông nghiệp, trong đó chiếm tỷ trọng lớn của ngành nông nghiệp chính là chăn nuôi. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của ngành chăn nuôi, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Phương án được ban hành nhằm chủ động trong công tác phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra ở động vật trên cạn (cúm gia cầm, bệnh dại động vật, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh viêm da nổi cục) và dịch bệnh động vật thuỷ sản.
Bên cạnh đó là ngăn chặn các bệnh nguy hiểm lây từ động vật sang người như cúm gia cầm chủng độc lực cao và bệnh dại ở động vật. Đồng thời giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và môi trường sinh thái do dịch bệnh động vật gây ra, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm sạch, an toàn dịch bệnh và bình ổn giá thị trường.
Để đạt mục tiêu đề ra, phương án đã đưa ra các giải pháp trong công tác phòng dịch như: Tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tiêm vacxin phòng bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, động vật thuỷ sản, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật. Khi dịch bệnh xảy ra cần tập trung, quyết liệt thực hiện công tác chống dịch...
Sở NN-PTNT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo đúng nội dung phương án đã được phê duyệt và các quy định hiện hành.
Để chủ động vacxin phục vụ công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn tạm phân bổ số lượng vacxin tiêm phòng đợt 1 năm 2022 với số lượng 22.175 liều vacxin lở mồm long móng (Type O), 21.960 liều vacxin tụ huyết trùng và 31.273 liều vacxin dại.
Hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Bắc Kạn đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện nhỏ lẻ tai các huyện Chợ Mới (xã Hòa Mục, Bình Văn và Quảng Chu), Chợ Đồn (xã Bằng Phúc) và Pác Nặm (xã Cao Tân).