| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi hồi phục mạnh nhờ khống chế kịp thời dịch bệnh

Thứ Hai 14/03/2022 , 11:30 (GMT+7)

Sau nhiều năm sụt giảm do dịch bệnh, năm 2021 và quý 1/2022, đàn gia súc của tỉnh Tuyên Quang tăng lên đáng kể nhờ khống chế được dịch bệnh.

Trong năm 2021 và quý 1/2022, tổng đàn gia súc ở tỉnh Tuyên Quang đã tăng trưởng khởi sắc. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trong năm 2021 và quý 1/2022, tổng đàn gia súc ở tỉnh Tuyên Quang đã tăng trưởng khởi sắc. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, đàn bò đạt hơn 38.700 con, tăng 6%; đàn đàn lợn hơn 549.600 con, tăng 3,9%; đàn gia cầm hơn 6,98 triệu con tăng 3,9%...

Một trong những nguyên nhân khiến tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những tháng gần đây đó là việc thông thương vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh được khôi phục trở lại nên gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm tiêu thụ thuận lợi hơn. Việc chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hình thành các chuỗi liên kết được mở rộng, khiến rủi ro trong chăn nuôi cũng như đứt gẫy thị trường được hạn chế...

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong năm 2021 một số dịch bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục đã phát sinh, gây hại cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Khống chế dịch bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh được tập trung thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ được duy trì. Tại các địa phương có dịch đã chủ động thực hiện việc công bố dịch theo quy định... Do đó, đến nay nhiều dịch bệnh đã cơ bản được khống chế.

Trong năm 2021, bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã phát sinh tại 1.502 hộ/394 thôn/86 xã trên địa bàn 7/7 huyện, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 11.049 con, tương đương 530.957 kg lợn hơi. Đến nay chỉ còn xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương là còn lợn mắc bệnh chưa qua 21 ngày, những xã còn lại đã công bố hết dịch.

Thực hiện tốt liên kết trong chăn nuôi giúp thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang phát triển. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thực hiện tốt liên kết trong chăn nuôi giúp thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang phát triển. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ tháng 4 đến tháng 10/ 2021, bệnh Viêm da nổi cục đã phát sinh và lây lan trên đàn trâu, bò của tỉnh Tuyên Quang. Bệnh đã xảy ra tại 900 hộ/347 thôn/92 xã của 7/7 huyện, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 1.513 con, trong đó số trâu, bò khỏi bệnh là 1.311 con, số bò chết phải tiêu huỷ là 202 con, tương đương 32.666 kg. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2021, UBND các huyện, thành phố đã công bố hết dịch. Đến nay, trên địa bàn chưa phát sinh bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Việc hình thành và duy trì hiệu quả chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò giữa các hợp tác xã với hộ chăn nuôi đã giúp duy trì và tăng trưởng đàn đại gia súc trên địa bàn, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Trong năm 2021, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 34 tổ chức, cá nhân có hoạt động liên kết trong chăn nuôi trâu vỗ béo, trong đó có 3 HTX có hoạt động liên kết theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, kỹ thuật...) đến tiêu thụ sản phẩm; đã tổ chức cung ứng thu mua, tiêu thụ gần 1.300 con trâu thương phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi; có 4 sản phẩm của 3 HTX được chứng nhận đạt sao OCOP.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 89 trang trại chăn nuôi, trong đó có 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP và Công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 4 cơ sở chăn nuôi lợn VietGAHP; 19 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; 4 có sở chăn nuôi được chứng nhận đủ điều kiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn...

Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025 đã được duyệt. Các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng liên kết, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Người trồng chuối Tết ở Hải Phòng trắng tay

HẢI PHÒNG Dù đã đến thời điểm buôn bán chuối phục vụ Tết Nguyên Đán nhưng năm nay tại Hải Phòng không khí lại ảm đạm, vắng vẻ do hậu quả thiên tai.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất