Văn bản hướng dẫn từ các cơ quan chuyên trách cũng là một công cụ hữu hiệu để quản lý Nhà nước. Văn bản hướng dẫn có ý nghĩa tháo gỡ những chồng chéo và vướng mắc mà các văn bản dưới luật như nghị định và thông tư tạo ra. Vì vậy, văn bản hướng dẫn phải đảm bảo giá trị chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống ở từng địa phương và từng đơn vị.
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu: “TP.HCM riêng năm 2022, hỏi Bộ 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bản. Nhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ”. Thực hư, câu chuyện về cơn mưa văn bản này, cần hiểu như thế nào?
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận những số liệu do ông Nguyễn Chí Dũng đưa ra hoàn toàn có thật, nhưng nhiều mức độ khác nhau. Theo ông Phan Văn Mãi, 584 văn bản xin ý kiến của UBND TP.HCM bao gồm bốn nhóm. Nhóm thứ nhất, có những vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. Nhóm thứ hai, có những vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi. Nhóm thứ ba là những vấn đề đã có quy định rồi nhưng cách hiểu là khác nhau nên phải hỏi. Nhóm thứ tư là những vấn đề rõ rồi nhưng mà do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi.
Trong bốn nhóm trên, chỉ có nhóm thứ tư thực chất là thiếu trách nhiệm và sợ trách nhiệm, còn ba nhóm còn lại thì phải hỏi ý kiến ban ngành trung ương. Đồng thời, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm”.
Văn bản xin ý kiến càng thể hiện sự sốt ruột thì văn bản hướng dẫn chuyên môn càng phải rõ ràng. Bởi lẽ, đây là sự phối hợp công tác, chứ không phải trò chơi chữ nghĩa “xuất đối dị, đối đối nan”. Văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý ngành càng mạch lạc thì việc triển khai tại địa phương càng thuận lợi. Nếu văn bản hướng dẫn mà “căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm” thì bài toán bế tắc không phải lỗi riêng ai. Bởi lẽ, không thể dùng phương pháp “phỏng đoán” và “suy diễn” để tiếp cận một văn bản hướng dẫn.
Ông Nguyễn Chí Dũng than vãn: “Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho TP.HCM hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác”. Hiện tượng một số cán bộ, viên chức ở TP.HCM có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trong khi thi hành công vụ là một vấn nạn đã được nhận diện và đang chủ động khắc phục. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu hệ lụy liên tục phải xin ý kiến mà nội dung trả lời không thể áp dụng, nhất định phải quan tâm đến giá trị đích thực của văn bản hướng dẫn. Chắc chắn, mọi thứ sẽ hanh thông, nếu văn bản hướng dẫn hội đủ các tiêu chí khoa học, trực tiếp và toàn diện.