Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đàm Văn Long ở ấp 7, xã An Khánh bày tỏ, không hiểu sao cải cách hành chính ngày càng kém hơn trước. Bây giờ ký tá nhiều quá trời, trong bộ hồ sơ trang giấy nào cũng phải ký; chồng ký, vợ ký và các con đều phải ký.
“Mảnh đất trị giá vài trăm triệu đồng nhưng nhà nào có con đi làm ăn xa muốn vay được vốn thì phải về quê ký xác nhận thủ tục đất đai khi đó mới đủ hồ sơ. Thử hỏi, nếu con cái không về kịp hoặc đi làm ăn, học tập ở nước ngoài thì xem như bố mẹ không thể vay vốn ngân hàng. Bí bách quá là làm liều vay tín dụng đen hoặc bỏ sang ngân hàng cổ phần khác để vay, lãi suất cao. Thế là rủi ro cho nông dân”, ông Long bày tỏ.
Ông Trần Cảnh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cũng xác nhận điều này. Ông Tân bảo, không hiểu sao bây giờ một bộ hồ sơ vay vốn phải ký ít nhất 20 chữ ký. Thật kinh khủng! Với những nút thắt này thì xảy ra tín dụng đen là khó tránh. Hiện dư nợ Agribank của xã đạt 110 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn cần gần bằng chừng ấy nữa. Song để tiếp cận được vốn là cả một rào cản lớn về thủ tục.
Đề cập đến vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc cho nông dân vay vốn theo chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, hầu hết lãnh đạo Agribank các chi nhánh, nhất là cán bộ tín dụng đều cho rằng, đấy là thiếu chế tài buộc chặt trách nhiệm giữa người vay với ngân hàng.
Cụ thể ở đây là theo Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thì khách hàng vay 100 triệu đồng không cần thế chấp tài sản.
Ông Bùi Thanh Toàn, PGĐ Chi nhánh Agribank Bến Tre nêu thực trạng: “Việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 100 triệu đồng khi phát sinh nợ xấu, một số hộ vay không có thiện chí trả nợ vay, ngân hàng khó khăn xử lý thu hồi nợ. Việc giữ hộ tài sản không được pháp luật ưu tiên trong xử lý tài sản để thu hồi nợ vay”.
Lãnh đạo Agribank chi nhánh Bến Tre cũng cho rằng, nếu coi sổ đỏ và tài sản khác để thế chấp thì lại vướng về định giá. Nếu quy định giá thấp thì người dân không vay được nhiều, trong khi yêu cầu bắt buộc của NHNN là việc định giá phải áp theo giá quy định của UBND tỉnh tại thời điểm định giá.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Công Danh, PGĐ Agribank chi nhánh Tiền Giang nói, quy định trên của Nghị định 55 nó có 2 mặt. Một là tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư, không bị vướng về thủ tục giấy tờ. Hai là, nếu xảy ra nợ xấu, không thu hồi được thì ngân hàng nắm đằng chuôi vì không thể phát mại tài sản của khách hàng.
“Nếu có cầm bìa đất của người dân cũng chỉ là giữ niềm tin và trách nhiệm với nhau thôi, do đó đề nghị Chính phủ sớm sửa Nghị định 55 giải quyết nút thắt này bằng một chế tài thích hợp nhất, thuận cho cả khách hàng và ngân hàng”, ông Danh nói.
Phản ánh nông dân và chính quyền kêu trời về thủ tục rườm rà, bà Phan Thị Thanh Thủy, PGĐ chi nhánh Agribank Bình Tân (Vĩnh Long) kể về những ngày đầu vào nghề cách đây mười mấy năm. Chị bảo: "Ngày trước, tôi mới vào nghề cho dân vay thủ tục đơn giản lắm. Hồi đó họ chỉ vay 500 ngàn đến 1 triệu đồng thôi nhưng dù ít hay nhiều thì thủ tục cũng đơn giản. Khách hàng chỉ cần một biên lai nộp tiền nhà đất là có thể “thế chấp” vay vốn. Chính vì thế tôi rất ấn tượng. Tôi nhận ra một điều rằng, cho nông dân vay là yên tâm nhất". |