Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Gia Lai nơi vị Giám đốc ký nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ trước ngày về hưu. |
Lý do, bà Trần Thị Hoài Thanh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Gia Lai tranh thủ trước khi nghỉ hưu vào ngày 1/2/2020, đã… thay đổi một số vị trí cán bộ đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, có 3 trường hợp bị phát hiện. Thứ nhất, đưa ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm sang cương vị Trưởng phòng lao động của Sở. Thứ hai, điều động ông Lê Minh Lộc - Chánh văn phòng Sở, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm. Thứ ba, bổ nhiệm ông Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nam Gia Lai, đảm nhiệm Chánh văn phòng Sở.
Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho rằng, việc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Gia Lai thực hiện luân chuyển công chức ra khỏi biên chế hành chính và tiếp nhận người từ biên chế sự nghiệp vào biên chế hành chính, là trái với quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của tỉnh.
Đồng thời, hành vi ấy cũng không đúng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu theo Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Câu chuyện của bà Trần Thị Hoài Thanh lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” bỗng dưng hối hả làm công tác nhân sự ở Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Gia Lai, không phải là sự manh động đầu tiên và cá biệt.
Trước đây, dư luận một phen xôn xao vụ ông Nguyễn Thành Rum - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TP.HCM chỉ trong vòng 2 tuần trước khi nghỉ hưu, đã ký 21 quyết định bổ nhiệm các chức vụ ở Sở này vào năm 2014. Còn ở cấp cao hơn thì sao? Tại cơ quan cần tôn trọng luật pháp nhất là Thanh tra Chính phủ, thì cũng xuất hiện tiếng bấc tiếng chì về hiện tượng “hốt cú chót”. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (nhiệm kỳ 2006 - 2011) đã bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ, cục trước khi nghỉ hưu.
Tiếp theo, Tổng Thanh tra Chính phủ - Huỳnh Phong Tranh (nhiệm kỳ 2011 - 2016) cũng bổ nhiệm thêm 35 cán bộ cấp vụ, cục trước khi nghỉ hưu. Dù cả hai ông Tổng Thanh tra Chính phủ đã “hạ cánh an toàn”, nhưng hệ lụy mà họ để lại gây nhức nhối cho đạo đức quan trường và lương tri cộng đồng.
Để chấn chỉnh tình trạng quan chức tranh thủ quyền lực để bổ nhiệm tùy tiện trước khi nghỉ hưu, ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205, với khoản 6, điều 5 nêu rõ: “Kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp”.
Vậy mà, vì ơn nghĩa đồng nghiệp hoặc vì toan tính riêng tư, vẫn có lãnh đạo láu lỉnh giở trò sắp xếp “ghế” cho thuộc cấp trước khi nghỉ hưu.