Vấn đề bảo hộ giống cây ăn quả đang thiếu chế tài, gây thiệt hại và bức xúc cho DN mua bản quyền. Ảnh: Hồng Thủy. |
Hành động này gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN, làm nhụt chí các nhà khoa học, gây rối loạn thị trường giống và tạo nên một ngành trái cây “ốm yếu” khi giống nhái, rởm, kém chất lượng được mặc sức tung hoành…
Lúng túng khiếu kiện
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) cho biết, hiện DN ông đang đề xuất cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT và Hải Quan TP.HCM giám sát tình trạng xâm hại bản quyền đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Đây là giống do công ty đã nhận chuyển giao bản quyền từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) với giá 5 tỷ đồng, đang còn thời hạn bảo hộ đến năm 2037.
Theo ông Huy, thời gian qua có nhiều DN khác đang sử dụng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 để xuất khẩu mà không thông qua công ty của ông là chủ sở hữu bản quyền giống trái cây này. Điều đó dẫn đến việc có những DN xuất khẩu với mức giá thấp, không đúng chất lượng sản phẩm mà Hoàng Phát Fruit đưa ra.
Ông Huy tâm sự: “Trước đây, chúng tôi xuất khẩu loại trái cây này với giá từ 3,5 - 4 USD/kg, nhưng do tình trạng xâm phạm bản quyền giống và cạnh tranh không lành mạnh nên giá xuất bị giảm chỉ còn 2 - 2,5 USD/kg. Do vậy, buộc công ty chúng tôi phải thỏa thuận lại hợp đồng với nông dân để cân đối giữa đầu vào và đầu ra”.
Ngoài ra, trước đây công ty ông Huy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái thanh long ruột đỏ LĐ1 với nông dân là 30.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra tình trạng xâm hại bản quyền giống, khiến hợp đồng mới giữa công ty với nông dân đã bị giảm giá một nửa chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg. Việc này rõ ràng đã gây thiệt hại cho cả công ty và nông dân, đồng thời mất lợi thế trên thị trường.
Được biết, mỗi năm Hoàng Phát Fruit xuất khẩu khoảng 6.000 - 8.000 tấn trái thanh long ruột đỏ LĐ1. Thế nhưng, sau khi bị nhiều DN khác ở trong nước và thậm chí ở những quốc gia lân cận xâm phạm bản quyền giống, sử dụng giống trái cây này để xuất khẩu tràn lan, khiến Hoàng Phát Fruit dần mất lợi thế trên thị trường và dẫn đến lợi nhuận sụt giảm đáng kể.
Tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cũng bức xúc nói: “Hiện nay, có rất nhiều người đang sử dụng giống thanh long ruột tím hồng của công ty chúng tôi đã mua bản quyền từ Viện SOFRI. Điều đáng ngại là những đơn vị này bán giống thanh long tím hồng không đạt chuẩn, sẽ gây hệ lụy về sau cho nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc khiếu kiện vi phạm bản quyền giống!”.
Theo ông Hiệp, khi liên hệ với Viện SOFRI về việc này thì được Viện hướng dẫn quy cách tiến hành lấy mẫu và phối hợp cùng với Viện để giám định DNA nhằm khiếu kiện. Sắp tới công ty sẽ ra thông báo cho các đơn vị kinh doanh không được bán giống thanh long ruột tím hồng, vì đây là giống có bản quyền của công ty Hoàng Hậu.
Ông Hiệp đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ can thiệp làm rõ đơn vị nào vi phạm bản quyền và không chịu chấp hành theo đúng pháp luật. Đồng thời, công ty mong muốn chính quyền có giải pháp về bảo hộ giống cây trồng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho DN, khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu, bảo vệ lợi ích của nông dân và giúp ngành giống cây trồng trong nước được phát triển minh bạch, bền vững.
Nước ngoài cuỗm tay trên?
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ Sinh học DONA –TECHNO chia sẻ: “Từ năm 2005, các giống cây trồng của công ty như sầu riêng, chôm chôm, xoài, bòn bon đã được Bộ NN-PTNT công nhận và chúng tôi cũng đã đăng ký thương hiệu cho các giống này. Tuy nhiên, đến nay do chưa đăng ký quyền bảo hộ cho nên việc xuất khẩu các giống mới đang gặp nhiều khó khăn”.
Vấn đề bảo hộ giống cây ăn quả đang thiếu chế tài, gây thiệt hại và bức xúc cho DN mua bản quyền. Ảnh: Hồng Thủy. |
Theo ông Cường, để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, công ty buộc phải tiến hành đăng ký quyền bảo hộ cho các sản phẩm giống cây trồng. Trước mắt, công ty làm thủ tục đăng ký bảo hộ cho giống sầu riêng Dona – Techno, sau đó sẽ tiếp tục đăng ký cho các giống cây khác.
“Hiện mỗi năm công ty chúng tôi sản xuất khoảng 300.000 cây giống sầu riêng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường. Chính vì chưa đăng ký bản quyền cây giống này cho nên có nhiều cơ sở tư nhân đang tự nhân giống sầu riêng Dona và bán tràn lan khắp nơi với giá rẻ”.
Hiện giá cây giống sầu riêng của công ty DONA – TECHNO bán ra thị trường từ 120.000 - 300.000 đồng/cây (tùy loại). Tuy nhiên, giá cây giống bên ngoài tư nhân bán chỉ khoảng mấy chục ngàn đồng/cây và số lượng nhiều gấp 10 lần so với cây giống công ty đang sản xuất. Do vậy, ông Cường đề nghị nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp quản lý và chế tài chặt chẽ hơn đối với từng loại cây giống. Đồng thời cần tuyên truyền rộng rãi về pháp lệnh BHGCT qua các kênh truyền thông nhằm thúc đẩy ngành giống phát triển bền vững.
Nguy hại hơn, đã từng có trường hợp nông dân tỉnh Sóc Trăng lai tạo ra được giống nhãn tím có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn khác; đặc biệt chống được bệnh chổi rồng – một loại bệnh làm điêu đứng nhiều nhà vườn trồng nhãn. Tuy nhiên, thời gian qua rộ thông tin có nhóm người Thái Lan tìm về miền Tây tìm mua bằng được giống nhãn này. Nhiều người lo ngại khi đã vào tay các nhà ươm giống lão luyện của Thái Lan, thì chẳng mấy chốc họ sẽ phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà và xuất khẩu đi khắp nơi, trong đó có thể xuất ngược trở lại Việt Nam.
Tương tự, với giống thanh long, từ chỗ ban đầu chỉ có thanh long ruột trắng, các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu, lai tạo phát triển thêm được giống thanh long ruột đỏ, hay ruột tím hồng. Tuy nhiên, do chưa chú trọng đến việc đăng ký bản quyền bảo hộ, bản quyền sáng chế giống mới, nên cũng có thông tin có nhóm người Đài Loan tìm đến lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam về lai tạo để cho ra giống thanh long mới ưu việt hơn.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Nông sản Cát Tường đề nghị: “Chúng ta đều hiểu rõ bản chất của bản quyền giống là độc quyền chỉ một chủ sở hữu một giống cây trồng, nhưng ở Việt Nam chưa thực hiện nghiêm vấn đề này. Vì thế, chúng ta cần phải minh bạch trong việc đăng ký và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền bảo hộ giống cây trồng để tạo niềm tin cho cả người dân và doanh nghiệp trong việc hướng tới một nền nông nghiệp công bằng!”.
Theo bà Cầm Thị Hằng, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng - Cục Trồng trọt: Đơn vị được cấp bằng bảo hộ khi phát hiện vi phạm bản quyền giống thì được quyền yêu cầu phía xâm phạm bản quyền bất hợp pháp phải dừng ngay việc nhân giống và đề nghị phải trả tiền bồi thường bản quyền. Nếu phía vi phạm không chịu đáp ứng thì nhờ pháp luật can thiệp. “Chúng tôi sẵn sàng tư vấn về đăng ký quyền bảo hộ giống cây trồng cho bất cứ đơn vị cá nhân nào có nhu cầu; đồng thời cũng có trách nhiệm hướng dẫn họ các thủ tục khiếu kiện cần giải quyết khi bản quyền bị đánh cắp!”, bà Hằng khẳng định. |
Ông Andrew Mackenzie (ảnh), chuyên gia nông nghiệp New Zaeland: “Từ năm 1976 đến nay, trong số hơn 5.000 giống cây trồng mới ở New Zealand đã nộp đơn đăng ký quyền bảo hộ, thì hiện có trên 1.300 giống đã được cấp quyền bảo hộ giống cây trồng mới ở New Zealand. Thực tế, quyền bảo hộ giống cây trồng đã giúp cho người nông dân ở đất nước chúng tôi tăng được lợi nhuận kinh tế từ cây trồng. Vì thế, ở Việt Nam, chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây của các bạn xuất khẩu mạnh mẽ hơn ra các thị trường tiềm năng trên toàn cầu. Theo tôi, Việt Nam cần phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu lai tạo giống cây trồng mới, đồng thời các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cũng cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả”. |