Tại Hội thảo đánh giá về Hiệp định EVFTA - Cơ hội và Thách thức đối với sự phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam, tổ chức ngày 8/8 tại TP.HCM, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, một số chất cấm vẫn đang được phát hiện trên mẫu hạt tiêu.
Cụ thể, trong nghiên cứu dư lượng BVTV trên hồ tiêu theo quy định của EU, qua phân tích và kiểm định 284 mẫu hạt tiêu thu thập trong 2 năm 2021 - 2022 của một số doanh nghiệp xuất khẩu và phòng lab, kết quả cho thấy có 38 hoạt chất được phát hiện, tổng tần suất xuất hiện các hoạt chất là 2.462, tổng giá trị đáp ứng quy định MRL của EU là 2.051 và tổng giá trị không đạt là 411.
Trong đó, các hoạt chất được phát hiện với tần suất cao gồm: Chlorpyrifos Ethyl (diệt sâu, mối, muỗi, giun); Cypermethrin (diệt ruồi, muỗi, mối, kiến, gián); Metalaxyl/Metalaxyl-M (sum), Metalaxyl (diệt nấm); Imidacloprid (diệt côn trùng, mối mọt); Carbendazim (diệt nấm); Fenobucarb (diệt côn trùng và thuốc trừ sâu); Propamocarb (diệt nấm).
VPSA nhận định, có thể thấy đa phần các mẫu hạt tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây hồ tiêu. Trong đó một số hoạt chất đã được Việt Nam loại bỏ nhưng vẫn xuất hiện trong hạt tiêu như Carbendazim và Chlorpyrifos Ethyl. Điều này rất đáng lo ngại nếu như người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc cho hồ tiêu.
Theo VPSA, Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 1/8/2020 đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các dòng thuế về hồ tiêu và gia vị. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu và mở rộng thị trường vẫn chưa xứng với tiềm năng do các điều kiện và tiêu chuẩn của thị trường EU khá cao và nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế thế giới do cuộc xung đột tại Đông Âu.
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu sang EU mới đạt 4.316 tấn, trong khi tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu đi các thị trường là 153 nghìn tấn. Các năm 2020, 2021 và 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang EU từ gần 40 nghìn tấn tới 48 nghìn tấn.