| Hotline: 0983.970.780

Vàng trên đất dữ

Chủ Nhật 17/02/2013 , 08:37 (GMT+7)

Hơn 200 hố bom nằm chằng chịt trong trang trại có diện tích gần 100 ha đã được ông Dũng lấp sạch, san bằng. Bây giờ thì ông đã chiến thắng thật sự rồi.

Nụ cười mãn nguyện  hiện trên khuôn mặt chữ điền của ông Nguyễn Văn Dũng. Bây giờ thì ông đã chiến thắng thật sự rồi. Hơn 200 hố bom nằm chằng chịt trong trang trại có diện tích gần 100 ha được ông lấp sạch, san bằng.

Cao su và trầm đã mọc lên cho khai thác, xuất khẩu mang ngoại tệ về cho gia đình ông và đất nước. Chiều cuối năm, giữa Trường Sơn hùng vĩ, nắng mang màu vàng mật làm ấm áp chốn núi rừng.

Luôn khơi dậy những phong trào

Ngôi nhà của ông Dũng ở khóm 5, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh. Mỗi ngày ông tự lái ô tô đi thăm trang trại cao su và trầm cũng như quản lý lao động đang trực tiếp làm việc cho gia đình. Tôi nói đùa nông dân như ông thuộc loại hiếm có. Nhưng ông Dũng thì cho rằng có thể ông gặp may hơn một số nông dân khác mà thôi. Sở hữu gần 100 ha cao su và trầm như ông thì không lớn lắm. Song người Quảng Trị tự hào, một nông dân biết làm ăn như ông thật là đáng kính nể.

Thực ra ông Dũng có học hành đàng hoàng, chứ không phải là nông dân chay, với... chức danh “đại tướng” của cao su tiểu điền được bạn nhậu tự phong cho. Năm 1979, ông đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Nói có sách, mách có chứng, ông mang tấm bằng khen sinh viên xuất sắc có nhiều đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, do Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM hồi đó là ông Đặng Quốc Bảo ký tặng, ra khoe. Rồi ông nhận xét về mình: “Tôi là người bình thường như mọi người khác nhưng lại luôn biết khơi dậy những phong trào, mô hình phát triển kinh tế cho bà con học theo”.

Có một thời gian ông Dũng làm cán bộ của một đơn vị. Thói đời luôn vậy, ông làm ăn giỏi nên luôn bị nhiều người ganh tỵ. Ở xóm làng, mọi người dân phục tài của ông từng nào, thì ở cơ quan ông không được giám đốc trọng dụng. Họ tìm cách hại ông bằng trò bỏ phiếu kín tập thể, cho ông là người yếu kém, không đủ năng lực làm việc, đẩy về đơn vị khác.

Ông Dũng được điều về làm việc tại một nông trường. Cơ ngơi của nông trường rất lớn nhưng chỉ sau ba lần thay giám đốc, tài sản của công biến vèo vèo, nông trường đang giàu có tự nhiên nghèo xơ xác. Nhận thấy làm kinh tế tập thể chẳng còn hợp thời nữa, đầu năm 1994, ông Dũng bắt đầu bỏ “mác” cán bộ, trở về ôm ấp mộng làm kinh tế tư nhân.


Ông Dũng bên một gốc trầm

Ở vùng miền tây huyện Vĩnh Linh ngày ấy đất đai rộng mênh mông, ai muốn canh tác từng nào cũng được. Ông luôn có suy nghĩ không có một vuông đất nào của Tổ quốc mà không quý báu, do đó phải biết khai thác tiềm năng của đất đai sẵn có. Chính quyền địa phương thì luôn động viên người dân nhận đất trồng cây để làm xanh lại núi rừng.

Thấy ông Dũng siêng năng làm ăn, địa phương liên tục cho ông nhận từ vùng đất này sang vùng đất khác. Có những người được cấp đất nhưng không có khả năng canh tác, họ kêu ông biếu không. Chỉ sau mấy năm nắm bắt đúng thời cơ, ông Dũng đã có trong tay gần 100 ha đất.

Cái tình trong cuộc đời

Núi rừng đang yên tĩnh bỗng dưng có tiếng xe cơ giới nổ máy ầm ầm. Bà con chạy đến thấy máy cày, máy húc đang làm đất cho ông Dũng. Xóm làng xôn xao cho rằng cái thằng này bị điên rồi hay sao mà liều lĩnh thế. Xưa nay có ai dám trồng cao su đâu. Ông Dũng làm không sợ lỗ à? Người quen thân thì tìm đến nhà khuyên can ông đừng có dại bỏ tiền ra cày cuốc đất cho mệt. Sau này Nhà nước lấy lại là trắng tay luôn đó. Nói không nghe, ngăn cản không được, bà con gọi ông là Dũng "điên".

Nhưng trong suy nghĩ của ông Dũng thì khác. Ông nhận định thời cơ và ráo riết thực hiện kế hoạch của mình. Chiến dịch trồng cao su và trồng rừng của ông Dũng bắt đầu từ năm 1994. Ngày ấy ông luôn có 20 lao động việc trong trang trại. Họ chia ra ba ca, mỗi công nhân làm việc ngày đúng 8 tiếng, được lo toan đầy đủ từ đồng lương hàng tháng đến cơm ăn hàng ngày, áo quần, quà cáp cho gia đình.

Mọi chính sách chế độ lao động được ông Dũng thanh toán sòng phẳng nên rất nhiều người ở khắp các tỉnh nghe tin đều được muốn đến làm việc cho ông. Không mấy năm sau, trang trại cao su, trầm và rừng tràm của Dũng đã lên xanh tốt, bao phủ cả một vùng đất rộng lớn. Trong những ngày đó ông Dũng vừa làm cao su cho mình nhưng cũng vừa giúp đỡ bà con làm trang trại như ông, nên ai cũng đều quý ông, xem ông như người mở đường làm giàu ở miền tây Vĩnh Linh.

Khi cao su vừa cho khai thác mủ thì đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá được xây dựng, đi ngay qua trang trại của ông, ông Dũng mừng hơn được vàng. Vậy là lái buôn khắp nơi trong cả nước, từ miền Nam ra, miền Bắc vào đều theo đường Hồ Chí Minh tìm đến thu mua sản phẩm mũ cao su của ông. Tiếng tăm ông Dũng nỗi khắp vùng.

Bây giờ, hết đoàn khách này đến đoàn khác đến tham quan học hỏi mô hình làm kinh tế trang trại của ông. Gần 100 ha đất được ông phân thành nhiều cây trồng chính, chủ yếu là cao su cho khai thác mủ và cây trầm, ngoài ra còn có nhiều hồ nuôi cá rộng mênh mông. Giữa trang trại, ông xây trung tâm làm việc điều hành cao 3 tầng, mỗi ngày giải quyết việc làm đến 40 lao động. Những người này được ông trả lương cao, xây nhà cho ở lại làm việc.

Ông khoe rằng mới giải quyết chế độ cho hai lao động nghỉ hưu, họ đã gắn bó với ông gần 20 năm qua, từ ngày ông mới lập trang trại. Món quà ông dành tặng họ là mỗi người 1 ha cao su trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông nói con người ăn ở với nhau phải lấy cái tình làm đầu. Không có sự giúp sức của họ thì ông sẽ không có được cơ ngơi như hôm nay.

Và ưu ái

Những người đang làm việc thì ông lên danh sách để thưởng tiền tết năm nay, cho họ có thêm vài triệu đồng sắm tết. Còn với vị sếp ngày trước “đuổi việc” ông thì nay đi buôn bán mủ cao su, thi thoảng ghé quá trang trại của ông Dũng mua mủ. Không cần để bụng, ông Dũng vẫn luôn dành cho ông sếp cũ sự ưu ái và cảm ơn vì ngày trước đã cho ông cơ hội... đi làm kinh tế tư nhân nên ông mới có cơ ngơi như hôm nay.

Chiều cuối năm, dẫn tôi đi thăm trang trại ông Dũng nói đùa đố anh tìm ra cái hố bom nào còn sót lại trên trang trại của tôi. Đất hố bom nay đã thành vàng trắng và đô la. Câu nói của một con người bước vào tuổi 55 đầy sức mạnh và tự hào.

Có lẽ không cần kể ra ai cũng có thể tính được thu nhập của ông Dũng mỗi năm là vô cùng lớn từ việc bán mủ cao su và trầm. Năm 2010 giá mỗi tấn mủ khô 86 triệu đồng, đến năm 2011 lên 92 triệu đồng và nay do giá cả có nhiều biến động, ông đang bán với mức 60 triệu đồng/tấn mủ khô.

Mấy năm trở lại đây tính sơ sơ thì mỗi năm lợi nhuận ông thu về được gần 300 ngàn đô la Mỹ từ việc xuất khẩu mủ cao su. Gần 100 ha cao su đang cho khai thác mủ. Vườn cao su của ông được đầu tư chất lượng cao, nằm mặt tiền đường Hồ Chí Minh nên có giá trị rất lớn, có người trả đến một tỷ đồng/ha, nhưng ông không bán.

Con trai ông học Đại học Kinh tế ra trường không cần đi xin việc làm, mà chỉ ở nhà làm thuê cho bố mẹ. Bạn bè thời học đại học cùng lớp ông nay có người đang là thứ trưởng, thi thoảng đi công tác ở miền Trung ghé qua thăm ông và uống rượu đế và nhậu thịt gà thả vườn.

Ông Dũng nói mình không bao giờ thấy nuối tiếc cái quyết định “cởi áo” về làm nông dân. Ông cho đó là một cách làm đúng để nhiều học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường cần suy nghĩ lại, vì theo ông các cháu quá khổ sở với việc chen chúc thi vào làm công chức nhà nước, người nhiều, việc ít.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm