| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng liệu có vội vàng?

Chủ Nhật 04/10/2020 , 07:06 (GMT+7)

Đó chính là 1 trong những ý kiến của bạn đọc về việc Hải Phòng đầu tư hơn 427 tỷ đồng xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Qùy và tuyến đường vào.

Tuyến đường vào bãi cọc Cao Qùy dài hơn 3km được chỉ đạo hoàn thành trong tháng 9/2020. Ảnh: Đinh Mười.

Tuyến đường vào bãi cọc Cao Qùy dài hơn 3km được chỉ đạo hoàn thành trong tháng 9/2020. Ảnh: Đinh Mười.

Những ý kiến đó, được bạn đọc chia sẻ sau khi báo NNVN đăng tải bài viết “Cần nghiên cứu thêm về bãi cọc ở Hải Phòng”, bài viết thông tin về những ý kiến khác nhau của nhiều nhà khoa học về bãi cọc Cao Qùy tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 29-30/9/2020.

Theo đó, ngoài những ý kiến ủng hộ chủ trương của TP Hải Phòng, không ít người cho rằng khi chưa có kết luận chính thức từ các nhà khoa học hay từ Viện Khảo cổ học thì chưa thể khẳng định bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến các trận chiến trên sông Bạch Đằng năm xưa. Việc đầu tư hàng trăm tỷ vào bãi cọc Cao Qùy là nóng vội, ngân sách thành phố còn nhiều việc khác cần phải chi hơn...

Trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thừa nhận, liên quan đến bãi cọc ở Cao Qùy, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55, các nhà khoa học còn có quan điểm khác nhau về thời điểm và việc nghiên cứu về bãi cọc vẫn đang tiếp diễn. Còn việc chủ trương đầu tư dự án bảo tồn bãi cọc và xây dựng con đường vào đây được thực hiện khi các nhà khoa học đã có ý kiến đầu tiên, có kết luận của viện khảo cổ học và các nhà khoa học.

“Có cơ sở, có kết quả của Viện Khảo cổ học là cơ quan nghiên cứu đặc biệt về những vấn đề liên quan như bãi cọc rồi. Trên cơ sở đó, chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy trình, đưa ra HĐND, thông qua quy trình theo quy định trên cơ sở có kết quả của Viện khảo cổ học họ đã công bố. Vì thế chúng tôi làm trên cơ sở có căn cứ, có địa chỉ…” – ông Nam khẳng định.

Bãi cọc Cao Qùy vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Ảnh: HP.

Bãi cọc Cao Qùy vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Ảnh: HP.

Bãi cọc Cao Qùy được người dân khu vực Mả Dài, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện, sau đó các chuyên gia lịch sử hàng đầu cùng các Bộ, ngành liên quan thuộc trung ương, thành phố đã nhanh chóng tiến hành khảo sát, nghiên cứu di tích bãi cọc.

Sau Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ diễn ra vào sáng 21/12/2019, ngày 28/2/2020, HĐND TP Hải Phòng khóa 15 tổ chức kỳ họp bất thường và đã quyết định 1 số vấn đề lớn như: Tán thành Đề án khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng; Quyết định tặng quà các hộ gia đình trên địa bàn thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2020); Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên…

Trong đó, chủ trương tặng ấm chén cho người dân từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối, sau đó đã tạm dừng để dồn lực phòng chống dịch Covid-19. Còn đối với dự án xây dựng tuyến đường vào và bào tồn  khu bãi cọc Cao Quỳ được nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về pháp lý, thủ tục về xây dựng cơ bản theo quy định trong vòng chưa đầy 1 năm. Dự án được khởi công ngày 3/5/2020 với tổng mức đầu tư hơn 427 tỷ đồng, đến nay, theo lãnh đạo UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, dự án này đến nay cơ bản đã xong.

Về bãi cọc này, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 vừa qua, Viện Khảo cổ học đã thông tin ban đầu về kết quả nghiên cứu, trong đó cũng chỉ khẳng định đây không phải là cọc kiến trúc, cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh, bãi cọc nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Các đại biểu tham dự hội nghị, chưa nhà khoa học nào dám khẳng định chắc chắn đây là trận địa thủy chiến nào? Có liên quan đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 hay không? Việc xác định niên đại của những chiếc cọc cũng còn nhiều ý kiến ra vào và các nhà khoa học thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu thêm, có phối hợp liên ngành để có kết quả khoa học chính xác nhất.

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 vừa qua.

Tuy nhiên, tại lễ khởi công dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ trước đó, trong bài phát biểu của mình, 1 lãnh đạo TP Hải Phòng đã khẳng định: Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà khoa học nổi tiếng trong nước. Các nhà nghiên cứu lịch sử cùng đội ngũ các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá 'Bãi cọc Cao Quỳ phát lộ thực sự là một điều kỳ diệu và là di sản lịch sử vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta. Đây là chứng tích hiện thực về trận địa cọc độc đáo trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Nguyên Mông, gắn với tên tuổi của Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo'.

Sau đó, vị lãnh đạo này đã yêu cầu các nhà thầu thi công huy động thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án đảm bảo kỹ mỹ thuật, bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Sự thành công của dự án Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.