| Hotline: 0983.970.780

Về nơi rượu ngọt, chè ngon

Thứ Bảy 19/06/2021 , 08:51 (GMT+7)

Sim San là thôn duy nhất của xã Y Tý có đồng bào Dao đỏ sinh sống nổi tiếng với loại rượu thóc đặc sản và chè cổ thụ tuyết shan hong gió quý hiếm.

Trong các thôn, bản trên địa bàn xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), thì Sim San là thôn duy nhất có đồng bào Dao đỏ sống quần cư lâu đời. Nơi đây vốn nổi tiếng là xứ sở của loại rượu thóc thơm ngon được nấu theo bí quyết riêng và chè cổ thụ tuyết shan quý hiếm. Sim San của ngày hôm nay không chỉ có rượu ngọt, chè ngon, mà đã đổi thay nhiều nhờ làn gió của chương trình xây dựng nông thôn mới khiến ai đến cũng đều vấn vương muốn trở lại nhiều lần.   

 “Mỹ tửu” ngon nức tiếng của người Dao đỏ

Từ trung tâm xã Y Tý, muốn vào Sim San chỉ có con đường độc đạo đi qua các thôn Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sín Chải rồi đến thôn người Dao đỏ Sim San, vào sâu nữa là bản người Mông ở Hồng Ngài. Đoạn đường vào tới Sim San chỉ khoảng 10km đa phần đã được trải bê tông phẳng phiu, nhưng cũng có những đoạn khó đi vì là đường đá cấp phối và đường đất. Vùng đất Sim San đón chúng tôi bằng một cơn mưa rào mát rượi xua tan đi cái oi bức của những ngày nắng nóng. Mà thời tiết nơi đây khá kỳ lạ. Mưa đấy, mà trong mưa vẫn có nắng vàng màu mật ong. Mưa tan, nhìn ra phía xa xa dưới chân núi chiếc cầu vồng rực rỡ hiện ra làm cho quang cảnh thêm tươi đẹp.

Một góc thôn Sim San 1 nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống lâu đời.

Một góc thôn Sim San 1 nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống lâu đời.

Nhà của Trưởng thôn Sim San 1 Tẩn Phù Tìn nằm thắp hơn so với mặt đường, khuất dưới những hàng cây xanh mướt. Mới bước vào cổng nhà, tôi đã nhận ra hương thơm quen thuộc của loại “mỹ tửu” nổi tiếng từ lâu.

Bên bếp than đỏ lửa, phía trên treo những xâu thịt lợn bản hun khói đã khô để lộ ngấn mỡ trong veo, phía dưới từ tio rượu nhỏ ra từng giọt nước trong vắt tỏa hương nồng đượm. Anh Tẩn Phù Tìn bảo nấu rượu thóc là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

Vùng đất Sim San được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, nên từ hàng trăm năm trước tổ tiên người Dao đỏ đã chọn làm nơi định cư, xẻ núi làm ruộng bậc thang, đào mương dẫn nước để cấy lúa, biến nơi đây thành vựa thóc lớn nhất nhì xã Y Tý.

Đồng bào Dao đỏ nấu rượu thóc theo bí quyết gia truyền.

Đồng bào Dao đỏ nấu rượu thóc theo bí quyết gia truyền.

Cũng do nhiều thóc lúa, nên nghề nấu rượu thóc ở đây phát triển từ rất sớm. Điều đặc biệt là người Dao đỏ Sim San có biết cách ủ rượu thóc bằng loại men lá đặc biệt với nhiều loại thảo dược, lá rừng tạo nên hương vị thơm ngon ít nơi sánh được. Trong cộng đồng các dân tộc, thì người Dao đỏ nổi tiếng là những “ bậc thầy” về các loại thuốc chế biến từ thảo dược, nên việc sáng tạo ra men lá nấu rượu cũng không có gì khó hiểu. Đó cũng là bí quyết riêng đồng bào Dao đỏ giữ bí mật chỉ truyền lại cho con cháu trong dòng họ.

Lửa vẫn cháy đỏ rực và hương rượu thóc tỏa ra thơm quá! Anh Tẩn Phù Tìn lấy nắp can hứng những giọt rượu còn nóng hổi đưa cho tôi. Chỉ cần đưa lên mũi, một mùi thơm nhẹ nhàng khiến cảm giác ngây ngất, lâng lâng khó tả.

Tôi nhấp một chút, rượu mới còn nồng chảy đến đâu nóng rực ngay đến đó. “Thôn Sim San 1 có 64 hộ dân thì hộ nào cũng biết nấu rượu thóc. Trong đó, có khoảng 30 hộ nấu rượu đặc sản bán quanh năm. Gia đình tôi mỗi năm nấu 500 - 600 lít rượu. Còn các gia đình: Tẩn Vần Heng, Tẩn Sài Dìn, Phàn Vần Sèo, Tẩn Lở Mẩy… cũng nấu hàng trăm lít rượu mỗi năm. Nhiều hộ nấu hết thóc của gia đình lại mua thêm thóc của bà con để nấu mà không đủ phục vụ nhu cầu của thị trường. Giờ đây, rượu thóc Sim San đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Lào Cai, sánh ngang với rượu thóc San Lùng của đồng bào Dao đỏ xã Bản Xèo mà ai cũng biết", anh Tìn cho biết.

Đặc sản chè hong gió đại ngàn

Đến thăm thôn Sim San 1, Sim San 2 lần này, tôi có dịp khám phá kỹ hơn về vùng đất này. Từ trên cao nhìn xuống, thôn Sim San 1 được bao quanh bởi những tràn ruộng bậc thang uốn lượn như dải lụa, còn thôn Sim San 2 nằm sâu phía trong, địa hình cao hơn được chia làm 2 xóm người Dao đỏ, phía trước nhìn ra thung lũng ruộng bậc thang, phía sau tựa lưng vào dãy núi xanh thẫm.

Điều đặc biệt là đến xóm người Dao đỏ nào tôi cũng được bà con mời thưởng thức loại chè có hương vị đặc biệt. Chỉ cần dùng thứ nước mạch đầu nguồn đun sôi sùng sục đổ vào chiếc ấm nhỏ đầy búp chè kia, chỉ vài phút sau rót ra chén đã được thứ nước chè vàng màu mật ong hương thơm nhẹ nhàng khó quên. Thứ chè này uống vào không chát mà vị ngọt đậm đà để lạ rất lâu trong cổ họng.

Phụ nữ Dao đỏ thu hái chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Sim San.

Phụ nữ Dao đỏ thu hái chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Sim San.

Để giải đáp những băn khoăn của tôi, chị Tẩn Tả Mẩy, một phụ nữ dao đỏ bảo: “Không biết các cụ đời trước lấy trên rừng về trồng từ bao giờ, nhưng bây giờ trong thôn có nhiều cây chè cổ thụ gốc to như cái xô, cao tới 4 -5 mét. Bà con thường chặt ngọn chè đi để hạ thấp độ cao, cây chè phát triển tán rộng ra dễ thu hoạch búp chè. Mỗi kg tôm chè tươi có giá 300 -350 nghìn đồng. Mùa này là chè ngon nhất đấy, nhiều người vào đây tìm mua mà không đủ để bán”.

Nói rồi chị Mẩy dẫn tôi đi xem mấy cây chè ngay phía sau nhà. Cạnh những tảng đá to là mấy cây chè cổ thụ, có cây đường kính gốc khoảng 20cm. Vốn cũng đôi lần tìm hiểu về chè nên tôi nhận ra ngay đây là loại chè Tuyết Shan nổi tiếng. Chỉ cần nhìn những búp chè to hơn chè thường, màu xanh mơn mởn, búp nào cũng có lớp lông tơ phủ trắng như tuyết kia cũng đủ thấy chè ở đây ngon đến mức nào. Nhưng điều tạo nên hương vị đặc biệt cho chè Tuyết Shan ở Sim San là người Dao đỏ ở đây không cho vào xao, cũng không vò bằng tay hoặc máy, mà sau khi hái tôm chè về thì cho ra nong phơi gió để búp chè khô tự nhiên.

Tôm chè cổ thụ được hái về hong gió cho khô trở thành đặc sản.

Tôm chè cổ thụ được hái về hong gió cho khô trở thành đặc sản.

 “Nếu phơi nắng thì búp chè sẽ khô nhanh nhưng bị héo lại, còn sấy trên bếp thì sẽ có mùi khói mất hương vị, nên chỉ được phơi nơi thoáng gió thì búp chè vẫn giữ được hình dáng ban đầu, màu trắng tuyết và hương vị vốn có. Để phơi được nong chè khô phải mất 1 tuần, chưa kể công thu hái, nên mỗi kg chè khô ở đây có giá tiền triệu. Các hộ Tẩn Láo Tả, Tẩn Vần Heng, Tẩn Láo Sử… bán chè tươi, chè khô thu được 15 -20 triệu mỗi năm”. Chị Mẩy cho hay

Đổi thay từ  “làn gió” mới

Cách đây gần 10 năm, tôi đã có lần đặt chân tới đất Sim San, nhưng ngày đó đi qua đây nhìn những con đường đất trơn trượt dẫn vào bản Dao đỏ nằm sâu trong thung lũng tôi quyết định đi thẳng vào thôn Hồng Ngài chứ không dừng lại ở Sim San. Vậy mà hôm nay không chỉ thôn Sim San 1 ở gần đường chính đã đổi thay mà thôn Sim San 2 khuất nẻo trong rừng núi cũng đã dần “thay da đổi thịt”.

Điều khiến tất cả ai đến đây cũng nhận ra ngay đó là những tuyến đường mang tên nông thôn mới. Trên đoạn đường từ Sim San 1 tới sim San 2 chúng tôi phải dừng xe lại để chờ cho “anh chàng” máy xúc làm nhiệm vụ san gạt đất, mở rộng mặt đường để chuẩn bị đổ bê tông. Trong khi tiếng máy xúc và tiếng xe ô tô công trường nổ giòn tan, thì dòng người dừng lại chờ đợi mỗi lúc một đông thêm. Chiều đã muộn, ai cũng vội để trở về với gia đình, nhưng dường như không ai thấy phiền hà mà đều rất vui vẻ chờ thông đường.

Những tuyến đường ở Sim San được bê tông hóa làm đổi thay cuộc sống của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

Những tuyến đường ở Sim San được bê tông hóa làm đổi thay cuộc sống của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

“Bà con chờ đợi con đường mới đã bao năm rồi, giờ sắp có đường đẹp nên chúng tôi phấn khởi lắm. Mong đường mới sớm hoàn thành để bà con đi lại đỡ vất vả, thôn được đón thêm nhiều đoàn khách đến chơi”, anh Tẩn Sài Vảng, một người dân thôn Sim San 1 tươi cười. Có lẽ, cũng như anh Vảng, mỗi người dân Sim San đều hiểu rằng đây là con đường mới mang tới ấm no cho bản làng, nên những phút giây chờ đợi đó là chờ đợi niềm vui đang tới.

Điều ấn tượng hơn cả với tôi là khi vào thôn Sim San 2 được đi trên những đoạn đường bê tông phẳng phiu như dải lụa. Những ai đã từng phải trầy trật vượt qua những đoạn đường dốc trơn như “đổ mỡ”, có khi phải bỏ xe phát khóc giữa đường thì sẽ hiểu cảm giác sung sướng như thế nào khi được đi xe bon bon trên con đường mới êm ru. Chính chương trình nông thôn mới đã mở ra cho bản Dao đỏ nằm tít hút giữa núi rừng này không những đoạn đường bê tông mà còn mở ra biết bao cơ hội và kỳ vọng tương lai.

Rồi đây biết bao nhiêu lúa, ngô, rượu thóc Sim San, chè Tuyết Shan, thịt lợn sấy, nấm hương rừng và những sản vật khác của bà con sẽ theo con đường ấy “bay” đến muôn nơi. Rồi hương vị hấp dẫn của những sản vật và vẻ đẹp vùng đất này sẽ “hút’ những đoàn khách du lịch tới đây tham quan, trải nghiệm. Chúng tôi hiểu bên cạnh những đổi thay nhìn thấy thì Sim San hôm nay vẫn còn không ít khó khăn. Nhưng những ngôi nhà mới xây khang trang đẹp đẽ đang mọc lên mỗi ngày là một minh chứng cho sức sống mới đang trỗi dậy giúp vùng đất này thêm khởi sắc.

Sau bữa cơm ấm áp nghĩa tình ở Sim San, chúng tôi chia tay bà con nơi đây mà vẫn mãi vấn vương hương rượu thóc ủ men lá rừng thơm nồng, vị chè cổ thụ hong gió ngọt đầu môi và nét bình yên của những xóm người Dao đỏ nằm giữa đại ngàn xanh ngắt. Một ngày ở Sim San dường như quá ngắn, nơi đây còn biết bao điều hấp dẫn chưa khám phá đang mời gọi chúng tôi. Sim San, hẹn ngày trở lại!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.