| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 29/10/2014 , 09:16 (GMT+7)

09:16 - 29/10/2014

"Vẽ" quy định trên giời!

Đến cơ quan ban hành thông tư mà cũng chưa biết thế nào là danh nhân, ai là danh nhân, thì làm sao các doanh nhân và đại chúng biết được? Không biết. Nhưng vẫn cấm.

Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL ngày 1/10/2014 “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, có hiệu lực từ ngày 25/10 vừa qua, đã khiến giới doanh nhân kêu trời.

Cứ tưởng chỉ có thời phong kiến, những cái tên từ cụ kỵ nội ngoại của vua cho đến vua, đến hoàng hậu, mới trở thành “húy”, và toàn dân phải tránh không được đặt trùng.

Những địa danh hay tên người nào trước đây có chữ trùng với những cái tên ấy, phải đổi. Ví như Hồng Mai phải đổi thành Bạch Mai, Nhậm phải đổi thành Nhiệm, Chu đổi thành Châu, Hoàng đổi thành Huỳnh…

Học trò đi thi phải mang theo một tờ giấy ghi đặc những chữ “húy” ấy để khi làm bài, biết đường mà “kỵ”. Kẻ nào trót “phạm húy” trong bài thi, lập tức bài bị đánh hỏng. Ai ngờ thời @ này, sang tận thế kỷ XXI rồi, vẫn phải “kỵ húy”, doanh nghiệp không được đặt tên trùng với tên danh nhân.

Danh nhân, hiểu một cách nôm na, thông thường nhất, là những người có tên tuổi, tài giỏi, mẫu mực… được đại chúng biết đến.

Nhưng về mặt pháp lý, thì danh nhân phải là những người được Nhà nước công nhận. Bởi rất nhiều người được đại chúng biết đến tên tuổi, nhưng chưa chắc đã là danh nhân. Và ngược lại, rất nhiều người hoàn toàn xứng đáng là danh nhân, nhưng vì một lý do nào đó mà đến nay tên tuổi còn đang bị vùi lấp.

Người ký ban hành một văn bản xác định thế nào là danh nhân, và những ai được coi là danh nhân trong một đất nước có lịch sử 4.000 năm “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/Nhưng hào kiệt đời nào cũng có - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi”, phải là chủ tịch nước.

Thế cho nên khi được báo chí và các doanh nhân, nhất là những doanh nhân đang sắp thành lập doanh nghiệp hỏi, những ai là danh nhân, để họ khỏi đặt tên trùng, thì bà Ninh Thị Thu Hương, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở, đại diện cho Bộ VH-TT&DL, mới có câu trả lời rằng: "Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa xác định được ai là danh nhân, thế nào là danh nhân. Đó là việc lớn của đất nước”.

Đến cơ quan ban hành thông tư mà cũng chưa biết thế nào là danh nhân, ai là danh nhân, thì làm sao các doanh nhân và đại chúng biết được? Không biết. Nhưng vẫn cấm. Thế thì khác nào một anh mù đi chỉ đường cho những anh mù?

Một điều nữa khiến dư luận thắc mắc, là trước đây, không ít doanh nghiệp đã lấy tên các anh hùng dân tộc làm tên của mình, như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hợp tác xã Lê Lợi, Xí nghiệp dệt Quang Trung…

Ai cũng hiểu, đặt tên như thế, là các doanh nghiệp trên muốn noi theo khí phách anh hùng và tấm lòng yêu nước thương nòi của các bậc tiền nhân ấy. Và tên của những nhà máy, xí nghiệp ấy đã trở nên rất quen thuộc với đại chúng. Việc đặt tên như vậy vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa có tác dụng giáo dục lòng yêu nước.

Ngày nay, giả sử một doanh nhân muốn lấy tên một danh nhân nào đó đặt tên cho doanh nghiệp của mình, như nhà máy in Nguyễn Du, nhà sách Cao Bá Quát… chẳng hạn, thì cũng không ngoài ý nghĩa trên.

Thế thì vì sao việc đó lại không phù hợp với “Truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, để đến nỗi bị cấm?

Cái quy định trên giời, được soạn thảo trong phòng máy lạnh này, xem ra, sẽ còn làm khổ giới doanh nhân, và sẽ còn làm nẩy sinh không ít chuyện bi hài.