| Hotline: 0983.970.780

'Vệ sỹ áo vàng' bảo vệ vườn cà phê

Thứ Ba 12/12/2023 , 10:04 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Nuôi kiến vàng trong vườn cà phê giúp tiêu diệt hiệu quả các loài sâu đục thân, rệp..., từ đó tiết giảm chi phí đầu tư, thân thiện với môi trường.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) vừa tổ chức hội nghị đánh giá ứng dụng biện pháp sinh học (sử dụng kiến vàng Oecophylla smaragdina Fabricius) trong phòng chống sinh vật gây hại cây cà phê tại tỉnh Đắk Lắk.

Ông Y Đức Êban (73 tuổi, ngụ buôn Sút M’grư, ngụ xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có hơn 3 sào đất trồng cà phê và nhiều loại cây ăn quả. Mấy năm nay, ông Đức do lớn tuổi, không chịu được mùi thuốc sâu nên vườn nhà 3 năm không phun thuốc BVTV. Do không phun thuốc nên kiến vàng đến làm tổ nhiều.

Mô hình nuôi kiến vàng tại vườn cà phê của gia đình ông Đặng Văn Huy (ngụ xã Cư Suê, huyện Cư M'gar). Ảnh: Quang Yên.

Mô hình nuôi kiến vàng tại vườn cà phê của gia đình ông Đặng Văn Huy (ngụ xã Cư Suê, huyện Cư M'gar). Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Đức, để kiến vàng sống trong vườn thì số lượng sâu đục cành và rệp sáp giảm hẳn. Việc nuôi kiến vàng cũng giúp giảm lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón.

“Việc không phun thuốc cái lợi lớn nhất là sức khỏe được đảm bảo. Vì không phun thuốc nên kiến vàng đến vườn sinh sống. Kiến vàng thường làm tổ trên các cây bơ, sầu riêng, mãng cầu chứ ít làm tổ trên cây cà phê nên không ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch”, ông Đức nói thêm.

Tương tự, ông Đặng Văn Huy (ngụ xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cũng có hơn 3ha đất trồng cà phê. Gia đình ông Huy đã chuyển dần từ việc canh tác sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật sang dùng chế phẩm sinh học và nuôi kiến vàng để tiêu diệt các loài sinh vật gây hại.  

Theo ông Huy, trước đây khi chưa nuôi kiến vàng trong vườn mỗi năm phải sử dụng thuốc BVTV khoảng 10 lần thì nay chỉ sự dụng 2 - 3 lần.

Kiến vàng giúp tiêu diệt sinh vật gây hại, giúp tiết giảm chi phí đầu tư cho vườn cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Kiến vàng giúp tiêu diệt sinh vật gây hại, giúp tiết giảm chi phí đầu tư cho vườn cà phê. Ảnh: Quang Yên.

“Việc này giúp giảm chi phí và giảm lượng phân bón, thuốc BVTV. Khi kiến chết rơi xuống đất cũng góp phần tạo nên hữu cơ, tạo thành lớp khoáng bảo vệ cây trồng. Đàn kiến thường ở trên các cây cao trong vườn. Để bảo vệ đàn kiến, gia đình thường chừa khoảng 500m2 để trồng các cây cao cho chúng sinh sống.

Sau khi thu hoạch cà phê xong, gia đình bẻ những tổ kiến vàng hoặc cột những sợ dây từ cây cao xuống cây cà phê để kiến bò qua lại. Đặc biệt vào mùa khô khi tưới cà phê sẽ có độ ẩm nên kiến tự đi bắt rầy rệp, từ đó nhân rộng các đàn”, ông Huy chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Tấn, Phó phòng Kỹ thuật - Chuyển giao thuộc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết, đơn vị xây dựng 5 điểm ứng dụng kiến vàng Oecophylla smaragdina F. trong phòng chống sinh vật gây hại trên cây cà phê tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Theo ông Tấn, việc sử dụng kiến vàng để kiểm soát sinh vật gây hại trên các vườn cà phê có một số ưu điểm so với thuốc trừ sâu hóa học.

Cụ thể, kiến vàng là một hình thức kiểm soát dịch hại tự nhiên và không có tác động tiêu cực đến môi trường như thuốc trừ sâu hóa học. Kiến vàng có hiệu quả cao trong việc kiểm soát sinh vật gây hại cà phê và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể làm giảm đáng kể quần thể sâu hại. Việc sử dụng kiến vàng có thể mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, vì họ không phải tốn chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền.

Kiến vàng được nuôi, làm tổ trên cây cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Kiến vàng được nuôi, làm tổ trên cây cà phê. Ảnh: Quang Yên.

“Kiến vàng là loài côn trùng xã hội sống theo đàn lớn, mỗi đàn bao gồm hàng ngàn cá thể. Những con kiến này có tính bảo vệ lãnh thổ cao và hung dữ, chúng tấn công các loài côn trùng khác và thậm chí cả động vật nhỏ.

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của kiến vàng là vai trò sinh thái của nó trong việc kiểm soát sinh vật. Thực tế đã chỉ ra rằng kiến vàng là kẻ săn mồi hiệu quả của nhiều loài sâu hại, bao gồm sâu đục quả cà phê, rầy và bọ trĩ. Ngoài ra, kiến vàng được biết đến là loài có khả năng thích nghi cao và có thể nhanh chóng phản ứng với những thay đổi của môi trường”, ông Tấn nói.

Ông Tấn cho biết thêm, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác cà phê là một trong những nguyên nhân chính gây ra dư lượng thuốc trong cà phê xuất khẩu.

Những hóa chất này được sử dụng để kiểm soát các đối tượng sinh vật gây hại nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, chúng có thể để lại dư lượng có hại trong hạt cà phê. Ngoài ra, sự thiếu nhận thức của nông dân trồng cà phê về việc sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể dẫn đến sự hiện diện của dư lượng thuốc trong cà phê xuất khẩu, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Mô hình nuôi kiến vàng bước đầu mang lại hiệu quả nên sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình nuôi kiến vàng bước đầu mang lại hiệu quả nên sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Ảnh: Quang Yên.

“Việc áp dụng giải pháp sinh học sẽ giúp quản lý dịch hại trên cây cà phê như một phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, và con kiến vàng qua thực tế đã thấy được hiệu quả. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng trong thời gian tới.

Tại Tây Nguyên, việc nhân rộng áp dụng kiến vàng chưa triển khai phổ biến so với vùng Đông Nam bộ. Với hiệu quả nghiên cứu trên cây cà phê, chúng tôi sẽ tiếp tục sẽ áp dụng trên cây sầu riêng trong năm 2024”, ông Tấn nói thêm.

Xem thêm
Sửa chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông

YÊN BÁI Sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân các địa phương ở Mù Cang Chải đã thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ xanh, dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Hiểu rõ bản chất để truyền tải an toàn thực phẩm đúng cách

Xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch càng được chú trọng, để tránh tâm lý hoang mang, ái ngại không đáng có đòi hỏi phải truyền thông đúng cách.

Nơi lần đầu làm vụ đông

Bắc Kạn Với chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão số 3, nhiều nơi ở Bắc Kạn bà con rất hồ hởi và kỳ vọng khi lần đầu biết tới sản xuất vụ đông.