| Hotline: 0983.970.780

Vì đâu nên nỗi?

Thứ Hai 10/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Trung bình mỗi héc ta cấy 50 kg giống thì diện tích SX cánh đồng mẫu VT.NA2 vẫn đạt từ 5.000 - 6.000 ha, chiếm trên 10% cơ cấu của tỉnh Hà Tĩnh.

VT.NA2 là giống lúa thuần chất lượng cao do Cty CP TCty Vật tư nông nghiệp Nghệ An chọn tạo được Bộ NN-PTNT chính thức công nhận đặc cách tại Quyết định số 609/QĐ-TT-CLT ngày 25/10/2011. Từ đó đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận giống VT.NA2 vào danh mục cơ cấu SX vào các mùa vụ.

>> Giống nguyên chủng vẫn nảy mầm kém!

Ăn sâu bén rễ

Các xã Cẩm Bình, Cẩm Quan, Cẩm Duệ thuộc huyện Cẩm Xuyên đã tiếp nhận giống lúa VT.NA2 về SX trên diện tích từ 400 - 500 ha cho năng suất vượt trội so với yêu cầu đặt ra. Với năng suất và sản lượng, chất lượng thật sự khả quan nên nông dân Cẩm Xuyên hứng khởi trước thành công của giống mới lần đầu tiên được đưa vào gieo cấy.

Ông Nguyễn Thành Nam ở xã Cẩm Duệ nói: "Ban đầu tiếp nhận giống lúa VT.NA2 chúng tôi vẫn chưa thể tin nổi có được thành công như hôm nay bởi theo hướng dẫn thì giống lúa thuần này sao lại dễ ăn, dễ làm như vậy. Thế là kể từ khi nhận giống, cán bộ kỹ thuật của Cty thường xuyên phối hợp với cán bộ xã trực tiếp hướng dẫn cách ngâm ủ, gieo cấy đến cả quy trình bón phân, tất cả bao tiêu trọn gói cho nông dân nợ đến mùa thu hoạch mới trả tiền. Quả thực từ trước tới nay chưa có một nhà cung cấp giống nào có trách nhiệm với nông dân chúng tôi như thế".

Còn Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên, Lê Ngọc Hà cho biết: "Sau khi SX thử giống lúa VT.NA2 trên địa bàn 3 xã nói trên cho kết quả khả quan nên năm 2012 huyện tiến hành nhân rộng; đặc biệt sử dụng giống VT.NA2 vào SX cánh đồng mẫu một giống ở Cẩm Bình với tổng diện tích trên 400 ha, tiếp đến là các xã Cẩm Duệ, Cẩm Nam, Cẩm Mỹ… đều cho năng suất, chất lượng tốt".


Nông dân Hà Tĩnh gieo cấy giống VT-NA2

Từ đó đến nay, trên đồng ruộng Hà Tĩnh, VT.NA2 đã ăn sâu bén rễ và trải rộng với tổng diện tích cơ cấu vụ xuân 2014 đạt trên 5.500 ha, chiếm trên 10% diện tích SX của toàn tỉnh. Song niềm vui chưa trọn, sự cố giống lúa VT.NA2 cho nẩy mầm kém gây xôn xao dư luận vừa qua làm nông dân ngỡ ngàng, nhà SX giống điêu đứng.

Do đâu?

Theo cơ cấu giống lúa vụ xuân 2014, Hà Tĩnh đã cơ bản xóa hẳn trà xuân sớm, trà xuân trung cũng chỉ cơ cấu 20%, còn lại chủ yếu tập trung cho trà xuân muộn (80% trên tổng diện tích 54.500 ha). Trong đó ưu tiên giống VT.NA2 làm chủ đạo để SX các cánh đồng mẫu, chủ yếu ở huyện Cẩm Xuyên. Được biết, ngoài 304 tấn giống VT.NA2 do TCty VTNN Nghệ An cung ứng còn có một lượng giống VT.NA2 khá lớn do nông dân tự SX mùa trước để lại (khoảng 100 tấn), ước tính cả hai nguồn giống này đưa ra SX thì số diện tích sẽ tăng trên 8.000 ha vụ xuân này.

Thế rồi sự cố ban đầu xuất hiện tại các xã Thạch Tân, Thạch Văn (huyện Thạch Hà), bởi sau khi cán bộ thôn nhận giống về ngâm ủ theo chỉ dẫn ngoài bao bì cho kết quả nảy mầm thấp so với trước đây, các xã nói trên đã kịp thời liên lạc với nhà SX giống, Cty liền cử cán bộ vào kiểm tra cụ thể, tiếp thu ý kiến từ nông dân; đồng thời thu hồi toàn bộ mẻ giống nói trên đã xuất kho cung ứng đến các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…

Sự cố nói trên xảy ra trong thời điểm đang trong công đoạn ngâm ủ (chưa tiến hành gieo cấy) nhưng Cty vẫn thực hiện nghiêm túc trước lời hứa của mình bằng cách thu hồi về kho, đồng thời bồi thường kịp thời, đầy đủ mọi chi phí cho nông dân với tổng mức đền bù trên 3 tỷ đồng của 80/304 tấn giống đã cung ứng.

Đại diện TCty VTNN Nghệ An cho biết: Do thời tiết lạnh, độ ẩm cao nên buộc Cty chúng tôi phải sử dụng công nghệ sấy lô giống nói trên. Nhưng do nhiệt độ sấy hơi cao nên phần nào đó đã bị ảnh hưởng so với giống bình thường. Trước lúc xuất bán lô hàng này chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật ủ thử cho kết quả nảy mầm đạt tiêu chuẩn. Để phòng ngừa sự cố xảy ra Cty cũng đã in tờ rơi phụ nhằm hướng dẫn thêm cho bà con sử dụng kỹ thuật mẻ giống này khác với chỉ dẫn ngoài bao bì trước đây. Nhưng có lẽ họ không để ý nên sự cố không may xảy ra.

Chị Hoàng Hoài Thu, thủ kho Cty, người trực tiếp xuất bán giống nói: "Do tờ rơi hướng dẫn kèm theo lô hàng sấy không nhiều nên trước lúc giao hàng chúng tôi cũng đã nhắc nhở phải thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn phụ. Khi sự cố xảy ra, một số người mang giống trả lại, tôi đã khuyến cáo họ cứ mang về thử mấy kg làm lại theo quy trình hướng dẫn. Kế toán trưởng xã Cẩm Lĩnh đến trả lại 2 tạ giống, sau khi được tôi giải thích đã mang 15 kg về ngâm ủ theo hướng dẫn cho kết quả nảy mầm đạt 95% trở lên và cũng rất nhiều trường hợp ngâm ủ lại cho kết quả nảy mầm đạt yêu cầu".

Trong chuyến đi kiểm tra SX đầu năm tại xã Cẩm Phúc, Cẩm Xuyên của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, bà con nông dân ở đây cho biết, vẫn tiến hành gieo cấy giống lúa VT.NA2 và tỷ lệ nảy mần đạt trên 90%. Còn ông Trần Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng, Đức Thọ đã đánh đường ra tận Cty liều mua bằng được 3 tấn giống (bị nơi khác trả lại) đem về cho nông dân SX kịp mùa vụ. Một cán bộ Cty khuyên can trong bối cảnh này không nên lấy nhưng ông Cường vẫn quyết mua.

Trước sự quả quyết của Chủ tịch UBND xã Đức Dũng, cán bộ Cty vội đặt vấn đề: “Vậy ông cứ đưa về, làm đúng quy trình, nếu không đạt với yêu cầu đừng nên nói gì và cũng chẳng phải trả tiền cho Cty nữa đâu”. Do nắm chắc kỹ thuật mới (theo hướng dẫn phụ) trong tay, sau công đoạn ngâm 3 sôi 2 lạnh trong 5 phút rồi đưa ra rửa sạch bằng nước ấm, tiếp tục ngâm nước ấm trong vòng 28 - 30 giờ (trong đó cứ 8 giờ lại đưa ra rửa sạch để khử chua), tiếp tục tiến hành ủ trong 3 ngày. Như vậy cả quá trình ngâm ủ mất khoảng gần 5 ngày (trong khi theo công thức ngoài bao bì chỉ mất hơn 2 ngày) thì đến nay 3 tấn giống bị trả lại mà ông Cường mua đã nảy mầm trên 95%.

Cũng trong thời điểm có mặt tại xã Đức Dũng, Chủ tịch Cường vui vẻ dẫn chúng tôi ra tham quan cánh đồng mẫu gieo cấy trên 150 ha toàn bộ được sử dụng giống lúa VT.NA2 đã bén rễ, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Vẫn lên xanh rờn

"Dư âm" buổi đầu về sự cố giống lúa VT.NA2 không nảy mầm đã tạo cơ hội cho một số người lợi dụng cho rằng, giống lúa này sẽ không còn chỗ đứng trong cơ cấu SX trên đồng ruộng Hà Tĩnh và buộc Cty phải bồi thường thiệt hại thích đáng… Tuy nhiên hiện số giống của TCty VTNN Nghệ An còn tồn không nhiều. Trung bình mỗi héc ta cấy 50 kg giống thì diện tích SX cánh đồng mẫu VT.NA2 vẫn đạt từ 5.000 - 6.000 ha, chiếm trên 10% cơ cấu của tỉnh.

Chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế những ngày cận kề cuối lịch gieo cấy vụ xuân 2014. Trên khắp mọi cánh đồng từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh ra Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, lên cả các huyện miền núi Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang…, đến đâu người nông dân cũng tự hào SX giống lúa VT.NA2 trên mỗi thửa ruộng của mình. Bà Đại Lượng ở thôn 1, xã Song Lộc nâng niu trên tay bó mạ non chia sẻ: "Người dân chúng tôi tiếp nhận giống lúa VT.NA2 vô cùng phấn khởi và tự hào, bởi đây là một loại giống được ưa chuộng nhất thể hiện qua các vụ đã từng làm. Chúng tôi rất cảm ơn các nhà khoa học đã chọn tạo ra giống lúa đặc biệt này".

Tại xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Chủ tịch UBND xã này vui vẻ dẫn chúng tôi ra tận chân ruộng tham quan cánh đồng mẫu nơi nông dân đang tích cực cấy vội những thửa ruộng cuối cùng.

Một nông dân nói: Cẩm Bình chúng tôi trước đây gieo cấy hàng chục loại giống hiệu quả thấp nhưng kể từ khi xã đưa giống VT.NA2 về, đến nay cả xã chỉ SX một giống không những dễ làm cho năng suất cao, gạo thơm ngon mà Cty còn bao tiêu trọn gói cho nông dân chịu cuối mùa thu hoạch mới trả. Không SX giống này chỉ có thiệt.

Vì thế nên Cẩm Bình vẫn vững vàng trên “thế trận” bệ phóng tổng diện tích cánh đồng mẫu bằng giống lúa VT.NA2 đạt trên 400 ha. Ngoài ra các xã Cẩm Duệ, Cẩm Nam, Cẩm Quan… đều phát triển cánh đồng mẫu bằng giống lúa VT.NA2 đã lên xanh rờn.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm