| Hotline: 0983.970.780

Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng vụ án ở Thái Nguyên

Thứ Bảy 27/05/2017 , 07:55 (GMT+7)

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Văn phòng Luật sư Thạch Thảo đánh giá vụ án mà Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên buộc phải đình chỉ vụ án vì mất hồ sơ gốc “có nhiều vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Thái Nguyên”.

Nhiều nghi vấn!

Cụ thể, căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thái Nguyên đã Quyết định truy tố bị can Chu Văn Lâm, Lưu Văn Phong ra trước TAND TP Thái Nguyên để xét xử về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 96a/BLHS năm 1985.


Hồ sơ gốc và tang vật của vụ án bị thất lạc buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên phải ban hành Quyết định đình chỉ vụ án - một Quyết định chưa thuyết phục và gây ra hoài nghi về việc “che giấu” việc mất hồ sơ của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Thái Nguyên.

1. Vấn đề pháp lí đầu tiên là ngay sau khi phát hiện Chu Văn Lâm bỏ trốn, tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng của TP Thái Nguyên không phát lệnh truy nã liền ngay mà lại bỏ lửng đến 5 năm sau mới ra quyết định truy nã ? Theo điểm c, khoản 3, điều 141 BLTTHS 1988 Thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can khi phát hiện bị can đang được tại ngoại và bỏ trốn.

Nhưng ở đây, các cơ quan tiến hành tố tụng của TP.Thái Nguyên đã không ngó ngàng gì tới việc bỏ trốn của Chu Văn Lâm? Ngoài ra, đây là 1 vụ án có 2 bị can cùng thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng quá trình giải quyết vụ án cho đến nay thì đối với bị can Lưu Văn Phong (không bỏ trốn) lại không bị đưa ra xét xử theo qui định của pháp luật.

Bị can Lưu Văn Phong cũng xác nhận trong thời gian bị bắt và tạm giam chỉ được cơ quan công an thông báo bị khởi tố vì tội danh buôn bán vận chuyển hàng cấm, còn sau khi được tại ngoại không nhận được một thứ tài liệu hay quyết định gì phát sinh.Lẽ ra, trong trường hợp này bị can Lưu Văn Phong cần phải bị đưa ra xét xử đối với hành vi phạm tội của mình.

Như vậy, đây được xem là một hành vi vi phạm tố tụng, tại mục 4.4 Phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có quy định: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành thủ tục đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.

2. Hồ sơ vụ án là tập hợp toàn bộ các tài liệu, các chứng cứ cũng như các biên bản lấy lời khai của bị can, bị cáo, lời khai nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng ... được cơ quan điều tra tiến hành thu thập theo đúng qui định của pháp luật. Được các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án lưu giữ và bảo quản theo từng giai đoạn cụ thể. Đều có biên bản giao và nhận hồ sơ vụ án khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng do cơ quan mình phụ trách. Do vậy, cơ quan để mất hồ sơ vụ án phải chịu trách nhiệm về việc để thất lạc hay mất mát hồ sơ vụ án đó.

3. Quyết định đình chỉ vụ án có đúng quy định không?

Theo khoản 3, điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”.

Trong vụ án này, bị can Chu Văn Lâm đã trốn và bị phát lệnh truy nã vào năm 1995, đến tận năm 2016 vừa qua Lâm mới ra đầu thú nên hành vi này của Lâm rõ ràng là hành vi cố tình trốn tránh để không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo điều 169 luật tố tụng hình sự năm 2003 thì VKSND TP Thái Nguyên chỉ có thể tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can Lâm còn bị can Phong thì vẫn phải bị đưa ra truy tố và xét xử.

Vậy nên VKSND TP Thái Nguyên ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong theo khoản 2, Điều 23 Bộ luật Hình sự, khoản 5 Điều 107 và điểm a, khoản 2, Điều 164, Bộ luật Tố tụng hình sự là chưa có cơ sở và không đúng với pháp luật. Đề nghị các cơ quan xem xét lại những dấu hiệu khuất tất của vụ án và có biện pháp xử lí trách nhiệm của các cán bộ liên quan.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất