| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cá ngừ đại dương khởi sắc

Chủ Nhật 28/02/2021 , 08:02 (GMT+7)

Những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam sang thị trường các nước rất khởi sắc, nhất là thị trường Mỹ.

Thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương đang phục hồi

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, trong năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cùng với thủy sản Việt Nam “dính” thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) nên việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhận rất ít đơn đặt hàng, thậm chí một số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng thu mua.

Tuy nhiên những tháng đầu năm 2021 việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các nước đang dần phục hồi trở lại, nhất là thị trường Mỹ rất khởi sắc.

Những năm đầu 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam nhận nhiều đơn đặt hàng từ các nước, nhất thị trường Mỹ. Ảnh: BQ.

Những năm đầu 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam nhận nhiều đơn đặt hàng từ các nước, nhất thị trường Mỹ. Ảnh: BQ.

Điển hình như Công ty TNHH Thịnh Hưng, tại khu công nghiệp Suối Dầu (Khánh Hòa) trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương của doanh nghiệp này chỉ đạt 70% so với thời điểm chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên đầu năm 2021, doanh nghiệp đã nhận nhiều đơn đặt hàng, từ đó đẩy mạnh thu mua cá ngừ đại dương từ 110-115 ngàn đồng/kg, tăng 10-20 ngàn đồng/kg so với những tháng ảnh hưởng Covid-19 trong năm 2020.

Ông Lê Bửu Quốc, Trưởng phòng Thu mua nguyên liệu của Công ty TNHH Thịnh Hưng, cho biết, các đơn đặt hàng cá ngừ của doanh nghiệp hiện tương đối phục hồi so với thời điểm chưa ảnh dịch bệnh Covid-19. Ngoài thị trường Châu Âu, doanh nghiệp còn nhận nhiều các đơn đặt hàng cá ngừ ăn sống phục vụ cho các siêu thị từ Mỹ, Canada…

Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu cá ngừ đại dương để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Ảnh: KS.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu cá ngừ đại dương để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Ảnh: KS.

Tuy nhiên theo ông Quốc, dù doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá ngừ trong nước, song chỉ đáp ứng 2/3 sản lượng cho các đơn đặt hàng xuất khẩu.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã mở rộng nhập nguyên liệu cá ngừ từ các nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia…Và, giá nguyên liệu nhập cũng bằng giá thu mua nguyên liệu trong nước, nhưng cao hơn 20% so với năm 2019.

Tương tự, Công ty TNHH T&H Nha Trang ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) hiện cũng nhận nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu cá ngừ từ Châu Âu và Mỹ.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Đắc Trí, Giám đốc Công ty TNHH T&H Nha Trang cho rằng, thời điểm này đang là mùa bán hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường Châu Âu và Mỹ.

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng các doanh nghiệp đã nhận các đơn đặt hàng trung bình khoảng 70-80% so với thời điểm chưa ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như vậy là rất khả quan.

Dự báo xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 17 doanh nghiệp với 24 nhà máy chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên. Hiện xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam đã sang hơn 100 nước trên thế giới.

Hiện nay xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang hơn 100 nước trên thế giới. Ảnh: BQ.

Hiện nay xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang hơn 100 nước trên thế giới. Ảnh: BQ.

Trong năm 2020, tổng kim ngạch XK cá ngừ đạt 648 triệu USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 40-41%, khu vực Trung Đông 15%, EU 14%, khu vực ASEAN 5%, Nhật Bản 4% và còn lại các nước khác.

“Năm vừa qua thị trường xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Châu Âu giảm, nhưng bù lại thị trường Mỹ lại tăng mạnh lên đến 41%, trong khi các năm trước thị trường này chỉ chiếm 28-30%”, ông Đáp đánh giá và cũng cho rằng, những tháng đầu năm 2021 việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các nước lưu thông bình thường và có nhiều khởi sắc. Vì vậy, giá cá ngừ đại dương được các doanh nghiệp thu mua tăng 10-15% so với năm ngoái.

Chuyến biển xuyên Tết, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương với sản lượng thấp. Ảnh: KS.

Chuyến biển xuyên Tết, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương với sản lượng thấp. Ảnh: KS.

Cũng theo ông Đáp, việc thiếu nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ là chuyện lâu nay. Bởi nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng 30-35%, số còn lại các doanh nghiệp đều nhập khẩu từ các nước khác để các nhà máy chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, các nhà máy chế biến lớn mới có đủ năng lực và khả năng nhập nguyên liệu, còn nhà máy chế biến nhỏ thì không có điều kiện nhập nguyên liệu.

Về xu thế xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong thời gian tới, ông Đáp cho rằng vẫn tập trung các thị trường chủ lực và chưa có gì thay đổi, nhất là thị trường EU bởi chúng ta vẫn đang bị “thẻ vàng”.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, hiện có tình trạng thiếu container trống rỗng để chở hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí xuất một container hàng có giảm hơn trước tết những vẫn còn mức cao, gấp đôi so với năm 2020. Theo đó, để xuất một container hàng đi Châu Âu mất 6.000-7.000 USD/chuyến (tùy cảng) và xuất đi Mỹ với giá 4.000-6.000 USD/chuyến.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.