Ngày 31/8, tại Viện Cây ăn quả Miền Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VASS) về công tác nghiên cứu và hợp tác thương mại giống cây trồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề công tác nghiên cứu lai, chọn, tạo giống cây trồng. Nhất là, những khó khăn gặp phải như: thời gian nghiên cứu dài (10 năm đối với lúa, 15 năm đối với cây ăn trái) nhưng kinh chỉ cấp theo từng giai đoạn (khoảng 5 năm). Bên cạnh đó, là vấn đề chuyển giao, bản quyền và hợp tác, khai thác thương mại giống cây trồng theo quy định.
Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VASS), giai đoạn 2011-2020, toàn VASS đã thực hiện 227 nhiệm vụ liên quan đến chọn, tạo giống cây trồng. Qua đó, đã có 390 giống cây trồng được công nhận lưu hành tại Việt Nam.
Tại Viện Cây ăn quả Miền Nam, thời gian qua Viện đã lai tạo thành công 21 giống cây trồng được công nhận lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, có 13 giống cây ăn quả (thanh long, xoài, nhãn, dứa, cam), 8 giống rau (ớt, dưa chuột, đậu bắp, mướp đắng, hoa cúc, đồng tiền).
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Hồng Sơn số lượng giống được thương mại hoá và hợp tác khai thác bản quyền với doanh nghiệp rất thấp. Thời gian qua mới chỉ có 79 giống được thương mại và chuẩn bị thương mại hoá (hơn 20% tổng số giống được công nhận), gồm 6 giống cây ăn quả, 35 giống lúa và 38 giống ngô.
Số lượng giống được chuyển giao thấp sẽ gây ra những khó khăn như: thiếu kinh phí hoạt động, nghiên cứu, phục tráng giống; thiếu cơ chế khuyến khích tác giả dẫn đến chảy máu chất xám. “Về chủng loại cây trồng được thương mại chủ yếu là lúa và ngô. Số lượng các giống thuần, giống cây ăn quả, cây công nghiệp được chuyển giao rất hạn chế. Nguyên nhân do không giữ được bản quyền nên các doanh nghiệp không muốn tiếp nhận”, GS. Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm về công tác chuyển giao thương mại giống cây trồng tại các Viện thành viên của VASS.
Đại diện các đơn vị trực thuộc của Bộ NN-PTNT cho biết, vấn đề chuyển giao bản quyền cây giống là thành quả nghiên cứu khoa học của các viện thành viên của VASS là đúng theo các hướng dẫn, quy định của pháp luật.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những động viên chia sẻ khó khăn với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, đội ngũ các nhà khoa học đã dành tâm huyết nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng chất lượng đóng góp cho sự phát triển chung của ngành NN-PTNT, sự thịnh vượng của nông dân, doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng giao các cơ quan chức năng của Bộ cùng quan tâm tháo gỡ khó khăn với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Trồng trọt, khảo sát, rà soát lại các vấn đề liên quan giống cây trồng, nhất là tại vùng sản xuất cây giống tỉnh Bến Tre.
Trong điều kiện mới, Bộ trưởng cũng chia sẻ lại chiến lược của ngành nông nghiệp hiện nay, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo Bộ trưởng các thành quả nghiên cứu khoa học để chuyển giao tốt các Viện cần xem mình như “doanh nghiệp” trong cách tiếp cận với nông dân, doanh nghiệp để tăng cường thông tin tuyên truyền sản phẩm, “quan hệ cộng đồng” từ lúc mới hình thành nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng chuyển giao không có nghĩa là mua đứt bán đoạn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị VASS cần có đánh giá so sánh giữa các Viện trực thuộc với các viện doanh nghiệp thành lập để từ đó có những hợp tác cùng phát triển. Đồng thời, mở rộng chức năng nhiệm vụ của các viện; nghiên cứu những mô hình kinh tế mới; tăng cường chuyển giao tri thức cho nông dân…
“Tôi ước mơ mỗi Viện là trung tâm cộng đồng để nông dân có thể đến đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Các em học sinh đến tham quan các bộ môn rồi thuyết minh cho các em biết để gây dựng một thế hệ mai sau biết yêu nông nghiệp”, Bộ trưởng mong muốn.