Ở bất cứ quốc gia nào, ngành sản xuất thuốc thú y cũng được coi là “vị thần hộ mệnh” cho ngành chăn nuôi. Quốc gia nào sở hữu công nghệ sản xuất thuốc thú y hiện đại, với thiết bị tiên tiến, thì ngành chăn nuôi nước đó phát triển mạnh mẽ, và ít gặp rủi ro. Vậy ngành sản xuất thuốc thú y của Việt Nam hiện đang ở đâu?
Theo TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược và Vật tư Thú y (HANVET), thì HANVET hiện là một trong những DN thuộc top 10 các DN có trình độ sản xuất thuốc thú y cao nhất, có công nghệ và dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại nhất trong khối ASEAN. Công ty hiện sở hữu 10 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
TS Nguyễn Hữu Vũ cho rằng, Thái Lan đáng dựng "hàng rào" để ngăn thuốc thú y ngoại tràn vào |
Ngoài ra, cùng với HANVET, còn có nhiều DN khác tại Việt Nam như VEMEDIM, NAVETCO, Bio-Pharmachemie... cũng có trình độ ngang ngửa. Sản phẩm của các DN này đã được xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới như Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Pakistan, UAE, Qatar, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Uganda... với doanh số hàng chục triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, trong 10 nước ASEAN, thì việc các công ty sản xuất thuốc thú y của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi muốn có mặt ở thị trường Thái Lan. Có thể nói, cho đến nay, chưa có một sản phẩm nào của Việt Nam lọt được vào thị trường này, trong khi sản phẩm của họ vào Việt Nam lại rất nhiều.
Hiện tại, đã có 218 đầu sản phẩm thuốc thú y của 26 công ty Thái Lan đang có mặt ở thị trường của ta. Hoàn toàn không phải do sản phẩm của họ tốt hơn của ta. Nhiều công ty của họ thậm chí còn có quy mô nhỏ bé, trình độ sản xuất và công nghệ không bằng của Việt Nam.
Có công ty như THAINAOK, sản phẩm của họ không bán được ở Thái nhưng lại có mặt ở thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy việc cấp phép của ta quá dễ dàng, các nhà quản lý của ta chưa chú ý đầy đủ đến việc bảo hộ các sản phẩm trong nước.
Trong khi cũng theo TS Nguyễn Hữu Vũ, thì trong Ủy ban tiếp nhận hồ sơ đăng ký các sản phẩm thuốc thú y nước ngoài của Cơ quan quản lý FDA (Thái Lan) có đại diện của các DN sản xuất thuốc thú y. Vì vậy, những thành phẩm của nước ngoài trùng hoặc tương tự với những sản phẩm mà họ đang nghiên cứu để sản xuất, đều bị họ gây khó khăn, không cho những sản phẩm đó có mặt trên thị trường của họ.
Ví như sản phẩm HANCEFT của HANVET, một hỗn dịch kháng sinh tiêm, đã được đăng ký thành công ở Hàn Quốc, Malaysia, Iraq..., HANVET đã nộp hồ sơ tại Thái Lan từ năm 2015, nhưng sau 2 năm, mới ở mức độ được tiếp nhận hồ sơ. Và thời gian để FDA trả lời là 1 năm. Trong thời gian HANVET phải chờ đợi đó, thì Công ty BIC ChemicaL Co.Ltd của Thái Lan đã sản xuất được sản phẩm này rồi.
Hiện tại, HANVET đã có công văn gửi Cục Thú y (Bộ NN- PTNT) đề nghị Cục có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này càng sớm càng tốt. Bởi nếu không thì thuốc thú y ngoại ngày càng "rộng cửa" vào thị trường Việt Nam. Ngược lại các DN thuốc thú y của ta muốn thâm nhập thị trường nước ngoài lại bị gây khó dễ. Hậu quả là thị trường thuốc thú y có sự cạnh tranh không lành mạnh, mà lợi thế nghiêng về DN ngoại. |