200 gian hàng đặc sản OCOP phía Bắc quy tụ tại Hòa Bình. Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. Xuất khẩu tôm hạ nhiệt trong tháng 10. Cà Mau tăng gấp đôi sản lượng bánh phồng tôm dịp tết
200 GIAN HÀNG ĐẶC SẢN OCOP PHÍA BẮC QUY TỤ VỀ HÒA BÌNH
Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức khai mạc “Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc năm 2022". Tại buổi khai mạc, Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với các sản phẩm thế mạnh, những năm qua tỉnh Hòa Bình đã tập trung xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chính sách để thu hút đầu tư phát triển bền vững, xây dựng chuỗi giá trị và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hội chợ lần này được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng; tạo cơ hội giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm, dự án nông nghiệp, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng cho các địa phương, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành NN-PTNT Hội chợ diễn ra từ ngày 17-21/11 tại quảng trường Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với quy mô 200 gian hàng.
GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN
Ngày 18/11, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các Hiệp hội - Doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh”. Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn dựa vào hộ cá thể, gặp nhiều khó khăn về liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu, khoa học kỹ thuật, quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại… Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn các Sở ngành, doanh nghiệp, HTX tích cực đóng góp kiến, nêu những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, trồng rừng và những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan, cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc và tổng hợp đề xuất để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xử lý tháo gỡ.
XUẤT KHẨU TÔM HẠ NHIỆT TRONG THÁNG 10
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng 23%, đạt gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm thực sự chỉ tăng đột phá vào nửa đầu năm, từ quý III, xuất khẩu tôm đã chững lại và giảm dần. Quý III/2022, xuất khẩu tôm cả nước đạt 1,13 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 10, với mức giảm 16%, xuất khẩu tôm đã bộc lộ rõ xu hướng đi xuống. Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ thu được 360 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm nay - trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Luỹ kế tới hết tháng 10, ngành tôm xuất khẩu tôm ghi nhận doanh số trên 3,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
CÀ MAU TĂNG GẤP ĐÔI SẢN LƯỢNG BÁNH PHỒNG TÔM DỊP TẾT
Còn 2 tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán 2023, các cơ sở sản xuất bánh phồng tôm tại Cà Mau đang tất bật vào vụ chuẩn bị sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chỉ riêng tại 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, hiện nay có khoảng vài trăm cơ sở lớn nhỏ sản xuất bánh, mỗi ngày các cơ sở sản xuất khoảng 750kg, cung cấp cho thị trường Miền Bắc, TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Hiện nay, bánh phồng tôm Cà Mau có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/kg. Vào dịp cuối năm, sản lượng bánh phồng tôm tăng gấp đôi so với ngày thường. Đặc biệt, bánh phồng tôm Cà Mau đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.