200 nhà máy phân bón bị loại bỏ sau 5 năm. Xuất khẩu cà phê vượt 3 tỷ USD. Sầu riêng trở lại vị thế 'vua trái cây'. Gạo ST24, ST25 được bảo hộ nhãn hiệu tại Australia .
200 NHÀ MÁY PHÂN BÓN BỊ LOẠI BỎ SAU 5 NĂM
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, sau 5 năm tiếp nhận quản lý mặt hàng phân bón từ Bộ Công Thương, Cục đã loại bỏ khỏi thị trường 200 nhà máy phân bón nhà máy phân bón do không đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định 84 về quản lý phân bón, hoặc chủ doanh nghiệp chủ động xin rút do nhà máy ngừng hoạt động từ lâu. Từ đầu năm đến nay, Cục yêu cầu địa phương nào phát hiện đại lý phân bón giả sẽ xử phạt vi phạm hành chính, chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Công khai, minh bạch thông tin tới phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Cục liên tục có văn bản, chỉ đạo cơ quan thanh tra, các sở thanh tra kiểm soát loại hình vật tư, phát hiện nhanh chóng, kịp thời phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VƯỢT 3 TỶ USD
Số liệu của Tổng cục Hải quan ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm hơn 11% về lượng và giảm gần 10% về trị giá so với 1 tháng trước đó. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu xấp xỉ 1,35 triệu tấn cà phê, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta tăng tại các thị trường như Đức, Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Anh… nhưng lại giảm ở một số thị trường khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
SẦU RIÊNG TRỞ LẠI VỊ THẾ ‘VUA TRÁI CÂY’
Theo các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng, ở vùng thu hoạch chính tại Đắk Lắk cùng một số vùng trồng nghịch vụ tại Tiền Giang và Bến Tre, giá sầu riêng thu mua tại vườn đang ở mức từ 65.000 – 85.000 đồng/kg, tăng 20.000 – 30.000 đồng/kg so với cách đây gần 2 tháng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xác nhận thông tin giá sầu riêng đang ở mức cao và dự báo trong vài năm tới giá sầu riêng khó giảm do đây là loại trái cây có thể cấp đông, chế biến thành nhiều món ăn có giá trị cao nên sẽ không bị áp lực bán tươi.
GẠO ST24, ST25 ĐƯỢC BẢO HỘ NHÃN HIỆU TẠI AUSTRALIA
Ba nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua từ doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trị đối với gạo ST24 và ST25 vừa chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Australia.Ba nhãn hiệu này được bảo vệ tại tại xứ sở chuột túi với hiệu lực 10 năm, từ ngày 7/6/2021 đến ngày 7/6/2031 và có thể được gia hạn sau đó.Gạo ST25 là một loại gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng do kỹ sư Hồ Quang Cua và các đồng nghiệp của mình nghiên cứu, sản xuất. Vào tháng 11/2019, gạo Sóc Trăng ST25 được bình chọn là 1 trong những loại gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi “World’s best rice” diễn ra ở Manila, Philipines.