21/87 dự án Hậu Giang kêu gọi đầu tư nằm trong lĩnh vực nông nghiệp. Long An 'gỡ rối' quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1. Bồi thường hơn 11 tỷ do làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Mức tiêu thụ cao su toàn cầu tăng 4-5%.
21/87 DỰ ÁN HẬU GIANG KÊU GỌI ĐẦU TƯ NẰM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp khi tìm đến đầu tư tại tỉnh Hậu Giang, cần xem vùng đất này là quê hương mình. Đồng thời, cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, nhà nước, rủi ro phải chia sẻ. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hậu Giang biến tiềm lực thành nguồn lực vật chất, biến khát vọng thành hành động thiết thực, hiệu quả, biến cái không thể thành có thể để phát triển, góp phần cho người dân Hậu Giang ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần vật chất nâng lên.
Hiện, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư 87 dự án với tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng, quy mô dự kiến hơn 30.000 ha, trong đó có 21 dự án nông nghiệp.
LONG AN “GỠ RỐI” QUYỀN BẢO HỘ GIỐNG THANH LONG RUỘT ĐỎ LD1
Liên quan đến khúc mắc về quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 tại Long An giữa nông dân với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, các đơn vị liên quan vừa có buổi làm việc và thống nhất, chưa cần thiết đề xuất mua lại bản quyền giống thanh long LD1 từ doanh nghiệp Hoàng Phát. Tỉnh Long An sẽ hỗ trợ nông dân xuất khẩu giống thanh long này.
Theo đó, việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long LD1 của doanh nghiệp chỉ thực hiện khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn các thị trường khác không đòi hỏi bản quyền.
Các ngành chức năng tỉnh Long An đề nghị Công ty Hoàng Phát chia sẻ và xác nhận điều kiện để nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có thể nhân giống thanh long để tái sản xuất và tham gia chính sách hỗ trợ của tỉnh trong thời gian tới. Về lâu dài, người dân và doanh nghiệp cần tránh việc giống thanh long này rơi vào quyền sở hữu của nước ngoài sẽ gây nhiều hệ lụy cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam.
BỒI THƯỜNG HƠN 11 TỶ ĐỒNG DO LÀM ẢNH HƯỞNG ĐẾN SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI DÂN
Theo ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 1/7, TP đã hoàn thành việc chi trả hơn 11,4 tỷ đồng để bồi thường cho người dân có lúa và hoa màu bị ngập úng tại cánh đồng Vĩnh Tròn với tổng diện tích hơn 100 ha.
Tình trạng ngập úng kéo dài từ thời điểm tháng 6/2019 cho đến nay. Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên xác định nguyên nhân là do lỗi trong quá trình triển khai thi công đường Nguyễn Trãi kéo dài có lấp đoạn rạch Bầu Hạ dài khoảng 150 m đi ngang qua tuyến đường nhưng không thực hiện việc đào rạch dẫn dòng hoàn trả để tiêu thoát nước, gây ngập úng. Đến tháng 3, năm 2021, đoạn rạch dẫn dòng hoàn trả mới được thi công, nhưng chưa đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Kết luận thanh tra ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Tuy Hòa cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự việc này.
MỨC TIÊU THỤ CAO SU TOÀN CẦU TĂNG 4-5%
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo, mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng 4-5% so với năm 2021. Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 vẫn tích cực, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2022 như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu. Mặt khác, để nâng cao chất lượng và thương hiệu cho cao su Việt Nam, ngành cao su luôn chú trọng thúc đẩy sản xuất mủ cao su bền vững.