Vải chín sớm Phương Nam mang lại doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Thời cơ gỡ 'thẻ vàng' IUU chỉ còn từ nay đến tháng 9. Nghệ An gặp khó trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Cà Mau đầu tư 20.000 tỷ đồng phát triển ngành tôm.
Vải chín sớm Phương Nam mang lại doanh thu hơn 60 tỷ đồng
Tiến Thành sx
Phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) sở hữu diện tích trồng vải chín sớm khoảng 400ha.
Năm 2024, tổng sản lượng vải đạt 1.600 tấn, với giá bán trung bình 38.000đ/kg mang lại cho người trồng hơn 60 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng vải giảm 30%, tuy nhiên, theo ước tính giá trị kinh tế tăng 10,8 tỷ đồng so với năm 2023.
Thời gian tới, Phường Phương Nam tiếp tục thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến theo quy trình VietGAP, hình thành chuỗi khép kín, hướng đến xuất khẩu vải chín sớm sang các thị trường như Châu Âu, Trung Quốc.
Thời cơ gỡ ‘thẻ vàng’ IUU chỉ còn từ nay đến tháng 9
Kim Sơ- Phương Chi sx
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã chỉ những tồn tại, hạn chế sau đợt kiểm tra như: quy trình giám sát tàu cá ra, vào cảng chưa đúng thủ tục, còn tình trạng tàu mất kết nối, việc xử xử lý vi phạm còn hạn chế, ghi nộp nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Qua đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng sớm khắc phục những khuyết điểm theo khuyến nghị của EC.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong mọi người đã cố gắng thì cố gắng thêm, vì thời cơ chỉ còn từ nay đến tháng 9. Tỉnh ủy, các đoàn thể đã vào cuộc thì cần vào cuộc toàn diện hơn, sâu sắc hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn.
Nghệ An gặp khó trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp
Việt Khánh – Ngọc Linh sản xuất
Toàn tỉnh Nghệ An có 12 công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, chuyển đổi theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện 8 công ty đã hoàn tất việc chuyển đổi, sắp xếp nhưng quá trình vận hành còn nhiều bất ổn, cũng như chưa chủ động lựa chọn được đối tác tin cậy nhằm vận hành, bắt nhịp theo quy chuẩn mới.
Trong khi đó, 4 doanh nghiệp chưa hoàn tất chuyển đổi, sắp xếp còn khốn đốn hơn. Theo kế hoạch, 3 công ty là Nông nghiệp Xuân Thành, Nông nghiệp An Ngãi, 1/5 Nghệ An sẽ góp nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai (sau khi rà soát) để tiến tới thành lập mô hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tuy nhiên giai đoạn 2016 - 2023 chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc đấu giá vốn góp nên không thực hiện được.
Về phần Công ty TNHH một thành viên Cà phê cao su Nghệ An, dù đã hoàn tất việc thẩm định, phê duyệt phương án rà soát, xử lý tài sản, nhà đất, nhưng đến công đoạn xác định giá trị doanh nghiệp lại bế tắc do không thể xử lý tài sản đối với vườn cam Nghi Ân.
Cà Mau đầu tư 20.000 tỷ đồng phát triển ngành tôm
Văn Vũ sx
Với mục tiêu nhằm phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư là 11.670 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 8.330 tỷ đồng.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh là 280.000 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 80% nhu cầu nuôi của tỉnh; sản xuất thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 40% nhu cầu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.