4 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD hàng hoá Việt Nam là nước nào? Phú Yên tiêu huỷ 431 lợn chết do tiêm vacxin NAVET-ASFVAC. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng nặng nề tới nông nghiệp toàn cầu. Nhiều nhà máy phân bón châu Âu dừng hoạt động vì giá khí đốt tăng.
4 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD hàng hoá Việt Nam là nước nào?
Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm đến hơn 57% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 67 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.Trung Quốc đứng thứ hai với 30 tỷ USD, tăng 5,3%; Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba với 14,2 tỷ USD, tăng 16,8%; Nhật Bản xếp thứ tư với gần 13,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 7, các quốc gia trên cũng là 4 thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt, đạt gần 8,7 tỷ USD; đứng thứ 2 là Trung Quốc với trên 5,7 tỷ USD; theo sau là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phú Yên tiêu huỷ 431 lợn chết do tiêm vacxin NAVET-ASFVAC
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý sự cố tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch tả lợn châu Phi cùng các giải pháp phòng, chống dịch như: chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; bổ sung các loại vitamin, chất điện giải cho gia súc.Đối với các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, chết do tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần tiến hành lập biên bản và xử lý tiêu huỷ theo quy định, không để người dân bán chạy lợn bệnh; đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi 1 lần/ngày.
THỜI TIẾT CỰC ĐOAN ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ TỚI NÔNG NGHIỆP TOÀN CẦU
Nắng nóng, hạn hán và nhiều loại hình thời tiết cực đoan xảy ra trên thế giới, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống con người, mà nền nông nghiệp toàn cầu cũng bị tác động tiêu cực. Tại Ý, cơ quan chức năng cho biết 2022 đang trở thành năm nóng nhất và khô hạn nhất của nước này kể từ khi dữ liệu được ghi chép từ năm 1800. Ngành nông nghiệp đối mặt nguy cơ tổn thất ít nhất 1/3 sản lượng so với năm ngoái. Còn tại Trung Quốc, nắng nóng lịch sử làm sản lượng trứng gia cầm ở một số nơi giảm 20% dù được mở máy lạnh. Tại miền trung của nước này có khoảng 4 triệu người cùng 2,2 triệu ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và nhiều nhà máy dừng hoạt động vì thiếu điện. Hạn hán ở Ấn Độ cũng khiến diện tích trồng lúa giảm 13% trong năm 2022.
NHIỀU NHÀ MÁY PHÂN BÓN CHÂU ÂU DỪNG HOẠT ĐỘNG VÌ GIÁ KHÍ ĐỐT TĂNG
Trong vài ngày qua, các công ty sản xuất phân bón lớn ở Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng của giá khí đốt.Ước tính, thị trường sẽ mất hơn 10% sản lượng amoniac và điều này sẽ gây tác động hơn nữa đến giá phân bón toàn cầu, vốn đã cao do ảnh hưởng từ gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột ở Ukraine. Việc giảm sản lượng phân bón có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực ở Liên minh châu Âu - EU. Do vậy, khối này có thể sẽ sớm thông qua chỉ thị cho phép các nhà nhập khẩu mua phân bón của Nga.