45 con lợn chết vì dịch tả lợn Châu Phi ở Hà Tĩnh. Di dời đàn khỉ vàng quý hiếm đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Thả hơn 307.000 con cá giống xuống sông Đồng Nai. Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL.
45 con lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh
Thanh Nga sx
Trong thời gian 10 ngày, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 2 xã Cẩm Thạch và Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khiến 45 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đây đều là những địa phương có tổng đàn lợn chăn nuôi nông hộ lớn nên việc thực hiện các giải pháp bao vây, dập dịch gặp nhiều khó khăn.
Chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã sử dụng vôi bột, hóa chất tiêu độc khử trùng tại các hộ dân ghi nhận dịch. Các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn tại địa bàn có dịch cũng được tăng cường kiểm soát.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đề nghị các huyện, xã đang có dịch cần đảm bảo tiến độ, đạt chất lượng quá trình tiêm phòng đợt 2/2023 đối với gia súc, gia cầm vào tháng 9 tới.
Di dời đàn khỉ vàng quý hiếm đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Lê Khánh sx
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, Chi cục kiểm lâm tỉnh này đang phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương liên quan và chuyên gia linh trưởng thuộc Trung tâm GreenViet xây dựng kế hoạch để di dời đàn khỉ trên đảo Hòn Trà ở huyện Bình Sơn đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ở tỉnh Gia Lai.
Kế hoạch di dời được chia thành nhiều bước, đáng chú ý là bước thực hiện bẫy, bắt đàn khỉ.
Qua khảo sát, đàn khỉ có 8 cá thể, là loài khỉ vàng thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm 2B, trong đó có 1 cá thể bị cụt chi trước phía bên trái, cư trú tách biệt trên Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha.
Việc di dời nhằm tạo điều kiện cho đàn khỉ tiếp tục sinh trưởng, phát triển trong môi trường sinh thái tự nhiên, phù hợp hơn với đặc điểm của loài; hạn chế giao phối cận huyết.
Thả hơn 307.000 con cá giống xuống sông Đồng Nai
(Lê Bình sx)
Sáng 17/8, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Tổ Đình Long Thiền (Phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) thả cá phóng sinh, tái tạo thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023. Hơn 307.000 cá thể giống thủy sản bản địa, loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế được thả xuống như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá vồ đém, cá bống tượng, cá thát lát cườm, cá lăng nha.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, việc khai thác quá mức đã và đang làm nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến công tác bảo tồn, đa dạng sinh học. Chính vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản càng cấp bách và cần được quan tâm.
Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL
(Văn Vũ sx)
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa tổ chức Hội thảo Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL - Chương trình nông dân trải nghiệm NPK Cà Mau – Công nghệ polyphosphate, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại lý phân bón và hơn 350 nông dân trong khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích các vấn đề quản lý dinh dưỡng hiệu quả cây ăn trái trên đất phèn, giúp nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó giải pháp Công nghệ polyphosphate nhận được sự quan tâm của bà con nông dân và chuyên gia bởi 3 yếu tố: Chất lượng - Giá cả phù hợp – Công nghệ tiên tiến.
Theo các chuyên gia, việc nông dân tham gia các kiểu mô hình canh tác thông minh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp xanh, bền vững.