Khuyến nông cộng đồng thu hút hơn 4.000 thành viên. Thái Bình giảm quy mô rừng đặc dụng ven biển để phát triển kinh tế biển. Bắc Kạn cần 30 tỷ để quản lý vận hành hồ đập an toàn. Gần 2 tỷ đồng xây dựng mô hình liên kết sản phẩm OCOP từ nhung hươu.
KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG THU HÚT HƠN 4.000 THÀNH VIÊN
Thanh Thủy sx
Sáng 17/8, tại Lạng Sơn, Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức Toạ đàm “Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộngđồng các tỉnh phía Bắc”.Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, đến nay đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng (với tổng số 168 thành viên) và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng (với tổng số gần 4.300 thành viên). Các tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã có khả năng kết nối khuyến nông cơ sở (huyện, xã thôn); Tham gia vận động thành lập HTX nông nghiệp; Tổ chức chuyển giao công nghệ đến nông dân thông qua HTX; Bước đầu cùng với khuyến nông doanh nghiệp thực hiện các thoả thuận hợp tác…
Thái Bình giảm quy mô rừng đặc dụng ven biển để phát triển kinh tế biển
Kiên Trung sx
Tỉnh Thái Bình vừa ký Quyết định xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu vực rừng đặc dụng ven biển tại ba xã ven biển là Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) xuống còn 1.320ha. Khu vực này còn có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải, được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2014 với tổng diện tích 12.500ha, gồm đất rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2019.
Sau điều chỉnh, phần diện tích gần 11.000ha được đưa ra khỏi diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ triển khai các dự án khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ với quy mô 3.348ha; Khu đô thị mới Nam Phú... Thái Bình cũng đang xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương về Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.
Bắc Kạn cần 30 tỷ để quản lý vận hành hồ đập an toàn
Thực hiện: Ngọc Tú – Sùng Anh Đông
Tỉnh Bắc Kạn hiện có có 35 hồ chứa nước, trong đó có 11 hồ chứa lớn như hồ Nặm Cắt ở thành phố Bắc Kạn dung tích 12 triệu m3, hồ Bản Chang ở huyện Ngân Sơn, hồ Khuổi Khe ở huyện Na Rì. Theo nghị định 114 năm 2018 của Chính phủ, các hồ chứa nước lớn đã đưa vào khai thác phải lập phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du, xây dựng bản đồ ngập lụt, xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống cảnh báo an toàn đập cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, tại Bắc Kạn do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện những quy định này. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn, nhu cầu vốn cần khoảng 30 tỷ để thực hiện những nội dung nghị định 114 quy định về đảm bảo an toàn hồ đập sau khi đưa công trình vào khai thác.
Gần 2 tỷ đồng xây dựng mô hình liên kết sản phẩm OCOP từ nhung hươu
Thanh Nga sx
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình OCOP cho các địa phương.
Theo đó, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn là đơn vị duy nhất được hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để thực hiện mô hình thí điểm xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm OCOP từ nhung hươu gắn với phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện toàn huyện Hương Sơn đã phát triển được hơn 38.000 con hươu, chủ yếu tập trung tại các xã Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Tây, Sơn Hàm… Những năm gần đây, sản lượng nhung hươu của huyện dao động từ 15 - 16 tấn, trị giá hơn 170 tỷ đồng.