Gỡ khó cho dự án, cán bộ phải 'dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm'. Gần 900 doanh nghiệp ngành gỗ dừng hoạt động. Hơn 700ha tôm phát sinh dịch bệnh, Trà Vinh hỗ trợ 102 tấn hóa chất. Sạt lở bờ biển khiến Cà Mau mất hơn 5.200ha đất rừng.
GỠ KHÓ CHO DỰ ÁN, CÁN BỘ PHẢI 'DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM'
Tại hội nghị thảo luận và tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng các dự án do Bộ NN-PTNT quản lý vào sáng 30/5,Trả lời câu hỏi của các chủ đầu tư về tình trạng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố thấp hơn so với thị trường, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, có xuất hiện tình trạng trên.Trong giai đoạn giá vật liệu tăng cao, việc công bố của một số địa phương chưa đầy đủ, cập nhật, thậm chí chênh lệch so với giá thị trường gây khó khăn cho nhà đầu tư. Để tháo gỡ, trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ có 6 đoàn kiểm tra việc công bố vật liệu xây dựng đủ danh mục, tiêu chuẩn, xuất xứ, thường xuyên công bố giá và chỉ số giá xây dựng để giúp hoạt động quản lý xác lập chi phí và quản lý hợp đồng trong giai đoạn thực hiện dự án thuận lợi. Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng cùng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của toàn ngành nông nghiệp.Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn cho các dự án là thái độ làm việc của từng cán bộ phải thay đổi, phải có tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
GẦN 900 DOANH NGHIỆP NGÀNH GỖ DỪNG HOẠT ĐỘNG
Qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của ngành Thuế (tại ngày 17/5/2023) đối với các doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ thì có đến 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Trong đó, có 6.712 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 897 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Đặc biệt trong những doanh nghiệp này, có 24 doanh nghiệp nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua. Cũng theo Tổng cục Thuế, trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 17/5/2023, cơ quan Thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp ngành gỗ trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các doanh nghiệp trung gian bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế nêu trên), nguyên nhân do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…
HƠN 700HA TÔM PHÁT SINH DỊCH BỆNH, TRÀ VINH HỖ TRỢ 102 TẤN HÓA CHẤT
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay số tôm nuôi toàn tỉnh bị thiệt hại do dịch bệnh gần 319 triệu con với diện tích hơn 700ha phát sinh trên các địa bàn thuộc huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Châu Thành. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh ghi nhận tôm bị thiệt hại do nhiễm bệnh thường gặp như: Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đường ruột. Trong đó, tỷ lệ thiệt hại do bệnh đốm trắng cao nhất chiếm khoảng 31%. Do thời tiết nắng nóng kèm theo các trận mưa đột ngột, khiến môi trường ao nuôi thường xuyên biến động dẫn đến các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển là nguyên nhân gây bệnh và có nguy cơ thành dịch. Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xin hỗ trợ 102 tấn chlorine từ nguồn dự trữ trung ương và đã cấp, phát cho người nuôi tôm toàn tỉnh để xử lý nguồn nước phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay cơ bản đã khống chế tình hình dịch bệnh, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho hộ nuôi.
SẠT LỞ BỜ BIỂN KHIẾN CÀ MAU MẤT HƠN 5.200HA ĐẤT RỪNG
Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở đất bờ biển đã làm mất đi hơn 5.251ha đất rừng, chính gì vậy, Cà Mau đang khẩn trương xây dựng bờ kè đê biển Tây để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, bảo vệ hơn 26.000 người dân. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, để chống sạt lở phía bên trong đê biển Tây, hiện nay đơn vị thi công đang khẩn trương xây dựng bờ kè và hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Ngoài ra, đa phần những đoạn xung yếu, hết đai rừng phòng hộ đều có kè chắn sóng. Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã triển khai khẩn cấp khắc phục sạt lở kè và cứng hóa mái đê với chiều dài hơn 3,9km, mức đầu tư gần 9 tỷ đồng và quyết tâm thi công hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Bên cạnh việc thi công gần 4km đê khẩn cấp này, Cà Mau cần được hỗ trợ tiếp tục để đầu tư hơn 131,5km có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm trong thời gian tới.