6 tỉnh phía Bắc chung tay phòng, chống khai thác IUU. Chương trình 'phủ xanh miền Tây' tặng 240 bồn nước cho người dân vùng hạn, mặn. Giá lợn hơi có dấu hiệu phục hồi. Thừa Thiên - Huế: Giá lúa cao nhất 8.500 đồng/kg.
6 TỈNH PHÍA BẮC CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG KHAI THÁC IUU
Nguyễn Thành
Chiều 12/5, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Sở NN-PTNT 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Quảng Ninh - Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa tổ chức ký kết phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và phòng, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định giai đoạn 2023 – 2025.
Mục đích của lễ ký kết nhằm tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soáttàu cá, sản lượng khai thác và chống khai thác IUU trên vùng biển 6 tỉnh, thành phố; Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Hiện nay, 6 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đang sở hữu trên 15.000 tàu cá, chủ yếu là tàu dưới 15m đánh bắt gần bờ. Để vận động người dân tuân thủ quy định về chống khai thác IUU, các cấp, ngành địa phương cần thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, từng bước tiến tới gỡ 'thẻ vàng' EC trong tương lai.
CHƯƠNG TRÌNH ‘PHỦ XANH MIỀN TÂY’ TẶNG 240 BỒN NƯỚC CHO NGƯỜI DÂN VÙNG HẠN, MẶN
Văn Vũ - Kiều Trang
Ngày 12/5, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục chương trình “Phủ xanh miền Tây” trao tặng 30 bồn nước nhựa HDPE Plasman Đại Thành đứng cho 30 bà con có hoàn cảnh khó khăn và 100 bình giữ nhiệt tại 3 huyện Gò Quao, Châu Thành, An Biên của tỉnh Kiên Giang.
Kết thúc Đợt 1, Ban Tổ chức chương trình đã trao tặng 90 bồn nước cho 3 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng với tổng giá trị là 279 triệu đồng.
Đợt 2 và Đợt 3 của chương trình dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 và tháng 6 này, tiếp tục trao tặng 150 bồn nước cho 5 tỉnh vùng hạn mặn còn lại là Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An.
Ông Huỳnh Văn Nhất- Phó chủ tịch thường trực Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương rất trân quý nghĩa cử cao đẹp Tân Á Đại Thành và sự đóng góp của Báo Nông nghiêp Việt Nam trong công tác cải thiện đời sống người dân vùng hạn mặn.
GIÁ LỢN HƠI CÓ DẤU HIỆU PHỤC HỒI
Minh Phúc khai thác
Thị trường heo hơi hôm nay ghi nhận giá tăng nhẹ tại miền Bắc. Cụ thể, tỉnh Ninh Bình nâng mức giao dịch tăng 1.000 đồng, đạt 53.000 đồng/kg và ngang bằng với các địa phương gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội và Tuyên Quang. Heo hơi tại các tỉnh còn lại được thu mua với giá 52.000 đồng và 54.000 đồng/kg.
Giá 56.000 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất khu vực, được ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi. Các địa phương còn lại tiếp tục thu mua heo hơi với giá trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P, nhận định: Giá heo có dấu hiệu hồi phục từ trước kỳ nghỉ lễ và đang giữ được mức giá bình quân cả nước trên 52.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty xí nghiệp cắt giảm công nhân, các trường học cũng bước vào kỳ nghỉ hè. Chính vì vậy, để giá heo hồi phục về mức 60.000 đồng/kg trong vài tháng tới là rất khó.
THỪA THIÊN HUẾ: GIÁ LÚA CAO NHẤT 8.500 ĐỒNG/KG
Công Điền
Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gieo cấy được hơn 28.000 ha lúa. Tính đến ngày 12/5, đã thu hoạch hơn 21.000 ha lúa, đạt 75% tổng diện tích.
Theo đánh giá, năng suất bình quân vụ này ước đạt khoảng 65,6 tạ/ha, được đánh giá là vụ đạt năng suất cao trong vài năm trở lại đây. Thời điểm này, giá bán lúa tươi tại thị trường Thừa Thiên – Huế dao động từ 7.100 – 8.500 đồng, cao hơn năm trước từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế, hiện nay thời tiết đang diễn biến phức tạp nên đơn vị đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo, đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông trên 85% cần tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại do thiên tai.