73 quốc gia chấp nhận cây trồng chuyển gen. Lấn chiếm đất trồng lúa có thể bị phạt tới 200 triệu đồng. Trao tặng hạt giống rau, củ, quả quy mô 70ha cho người dân. Nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
73 quốc gia chấp nhận cây trồng chuyển gen
Thảo Phương sx
Sáng nay, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sỹ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định, đến nay đã có 73 nước trên toàn thế giới chấp nhận cây trồng chuyển gen, bởi chúng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng, tiết giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu mỗi vụ.
Tuy nhiên theo TS Cao Đức Phát, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ biến đổi gen, từ đó giúp phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Lấn chiếm đất trồng lúa có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
Minh Phúc khai thác
Theo Nghị định số 123/2024 ngày 4-10-2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý bị phạt từ 3 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp, không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất cũng có thể bị phạt từ 3-200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng.
Trao tặng hạt giống rau, củ, quả quy mô 70ha cho người dân
Thảo Phương sx
Chiều 4/10, Đoàn Thanh niên Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã trao tặng hạt giống rau các loại quy mô 70ha, tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng cho người dân trên địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Những hạt giống này sẽ được phân phối đến tận tay người dân để sớm khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tình nguyện “Hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, tái thiết cuộc sống’ của Ban Thường vụ Đoàn khối các cơ quan TW, nhằm kịp thời chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, chương trình gửi tặng địa phương chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất trồng trọt hàng chục loại giống rau chất lượng (đảm bảo độ sạch, độ đúng giống, tỷ lệ nảy mầm…) để giúp người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, vơi đi phần nào những khó khăn, nhọc nhằn đang phải đối diện.
Nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu
Văn Vũ sx
Bạc Liêu đã và đang xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, việc kiểm soát tạp chất, nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu đáp ứng thị trường xuất khẩu luôn được tỉnh quan tâm.
Để kiểm soát tốt chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, thời gian qua Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bạc liêu tăng cường công tác kiểm tra các đối tượng sản xuất - kinh doanh, mua bán, vận chuyển tôm nguyên liệu, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm có vị trí giáp ranh với các tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn và 27 kho bảo quản đông lạnh với tổng công suất 4.470 tấn thủy sản. Hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc...