8 nhóm hàng xuất khẩu tăng 17%, mang về cho Việt Nam thêm 41 tỷ USD. 385 triệu người bị ngộ độc thuốc trừ sâu hàng năm. Diêm dân gánh thêm nhiều chi phí sản xuất vì mưa trái mùa. Sẽ chuyển đổi quyền khai thác hơn 8.000 chợ truyền thống.
8 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU TĂNG 17%, MANG VỀ CHO VIỆT NAM THÊM 41 TỶ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới được công bố, tính đến hết tháng 9 xuất khẩucủa Việt Nam đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, 8 nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng từ 1 tỷ USD trở lên lần lượt là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,95 tỷ USD; dệt may tăng 5,57 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,2 tỷ USD; giày dép các loại tăng 4,86 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,07 tỷ USD; thủy sản tăng 2,31 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,26 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,14 tỷ USD.Với 32,36 tỷ USD, 8 nhóm hàng trên chiếm đến 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước.
385 TRIỆU NGƯỜI BỊ NGỘ ĐỘC THUỐC TRỪ SÂU HÀNG NĂM
Theo số liệu từ Pesticide Atlas mới được công bố, hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn cầu đã tăng 80% kể từ năm 1990, với thị trường thế giới dự kiến đạt 130 tỷ USD vào năm tới. Báo cáo này cũng cho biết thêm, việc sử dụng thuốc trừ sâu quá nhiều trong vài thập kỷ qua cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 11.000 ca tử vong ở người, và 385 triệu người bị ngộ độc thuốc trừ sâu hàng năm.Đáng báo động là việc sử dụng thuốc trừ sâu đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, khiến quần thể chim và bướm đồng cỏ giảm khoảng 30% kể từ năm 1990. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhiều quốc gia đã đặt mục tiêu xem xét lại cam kết cắt giảm một nửa việc sử dụng thuốc trừ sâu và các rủi ro vào năm 2030 từ chiến lược Từ Nông trại tới Bàn ăn.
DIÊM DÂN GÁNH THÊM NHIỀU CHI PHÍ SẢN XUẤT VÌ MƯA TRÁI MÙA
Thời điểm này, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định đang vào vụ thu hoạch muối. Đây là cánh đồng muối lớn nhất miền Bắc, rộng 230 ha, cung cấp sản lượng lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Tuy mới vào vụ nhưng theo các diêm dân ở đây, năm nay xuất hiện nhiều mưa trái mùa, người dân không chỉ mất muối thành phẩm mà còn tốn nhiều chi phí cải tạo ruộng, sân để khôi phục sản xuất.Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long cho biết: Để gỡ một phần khó khăn cho diêm dân, hỗ trợ duy trì nghề muối, xã đã cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối. Những vùng sản xuất kém hiệu quả được đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang đất trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Địa phương cũng đề ra chỉ tiêu sản xuất 10 nghìn tấn muối/năm và hỗ trợ đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch. Hiện toàn xã có hơn 30 đại lý và 4 công ty thu mua, chế biến muối.
SẼ CHUYỂN ĐỔI QUYỀN KHAI THÁC HƠN 8.000 CHỢ TRUYỀN THỐNG
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, cả nước đang có trên 8.500 chợ truyền thống, trong đó 80% chợ là ở khu vực nông thôn, cũng như 86% là chợ hạng 3, tức chợ dân sinh quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất còn rất kém. Hiện Bộ Công thương đã được Chính phủ giao cùng các bộ sửa nghị định về đầu tư và phát triển chợ, trong đó có việc chuyển đổi quyền khai thác tài sản công ở các chợ truyền thống. Trong tổng số hơn 8.500 chợ truyền thống hiện có hơn 8.000 chợ là tài sản công thuộc quản lý của nhà nước.Để tăng cường an toàn thực phẩm tại hệ thống chợ dân sinh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, cũng cần tập huấn cho chính các tiểu thương ở chợ cũng như tăng cường giám sát chất lượng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm bán từ chợ dân sinh.