Ngừng tiêu thụ động vật hoang dã, đảo chiều đa dạng sinh học. Xuất khẩu cá ngừ trên đường lập đỉnh 1 tỷ USD. Bình ổn thị trường phần lớn thuộc ngành thực phẩm tươi sống. Thị trường Hoa Kỳ triển vọng cho gạo Việt.
NGỪNG TIÊU THỤ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ ĐỂ ĐẢO CHIỀU ĐA DẠNG SINH HỌC
Sáng 21/10,Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.
Sự kiện nằm trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại ba quốc gia - Việt Nam, Lào, Campuchia. Nội dung của chiến dịch nhằm nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang đối mặt: Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.
Theo đó, Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã. Trong khi đây là nguy cơ có thể lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật sang người. Việc sử dụng thịt thú rừng còn dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã, góp phần gây ra các thảm hoạ, đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường.
Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát động và thực hiện chiến dịch này.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TRÊN ĐƯỜNG LẬP ĐỈNH 1 TỶ USD
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, tháng 9/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 78 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lại thấp 15% hơn so với tháng 8 trước đó. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ của Việt Nam đạt gần 808 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện giá cước vận chuyển đã giảm nhiều, tuy nhiên lạm phát vẫn tiếp tục tăng đã làm giảm nhu cầu NK, XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính trong tháng 9.
Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường XK cá ngừ lớn nhất với Việt Nam với doanh số trong tháng 9 đạt trên 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó XK sang CPTPP, Isreal, và Arập Xêut trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng.
Với kết quả đạt được trong 9 tháng qua, dự kiến XK cá ngừ Việt Nam sẽ sớm chạm đỉnh 1 tỷ USD
BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG PHẦN LỚN THUỘC NGÀNH THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG
Theo Báo cáo Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022 trên địa bàn TP.HCM, hiện các mặt hàng bình ổn thị trường phần lớn vẫn thuộc ngành thực phẩm, hàng tươi sống.
Các nhóm hàng tươi sống như thịt, rau, củ quả,… chưa được đầu tư mạnh về công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch, bảo quản lâu, dự trữ dài ngày, nguồn cung, giá cả thường phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, dịch bệnh.
Một số mặt hàng như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt, trứng gia cầm… có chi phí sản xuất còn cao, chưa ổn định, do nguồn nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn còn thói quen ưa chuộng trực tiếp lựa chọn thực phẩm khiến ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường còn chậm, hiện trạng logistics còn nhiều bất cập, hệ thống kho dự trữ phân tán, nhỏ lẻ, vận chuyển hàng hóa khu vực nội thành gặp nhiều khó khăn.
THỊ TRƯỜNG HOA KỲ TRIỂN VỌNG CHO GẠO VIỆT
Giá lúa gạo hôm nay 21/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu đang được thương lái thu mua ở mức 9.100 đồng/kg. Gạo thành phẩm dao động quang mốc 9.700 – 9.750 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhập khẩu gạo của nước này trong năm nay dự kiến đạt 1,3 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với năm ngoái. Như vậy con số này có thể tiếp tục tăng cao kỷ lục là 1,4 triệu tấn trong năm 2023, phần lớn là gạo thơm, gạo đặc sản tới từ châu Á. Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu gạo châu Á, trong đó có Việt Nam khi gạo nhập khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo được tiêu thụ tại Mỹ.