Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ keo sai phạm về sử dụng đất. Nâng cao kiến thức kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Kiên Giang sẽ đầu tư 600 tỷ đồng xây kè chống sạt lở bờ biển.
ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI CÓ KHẢ NĂNG MẠNH LÊN THÀNH BÃO
Khai thác
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 1h ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Tây. Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu dần. Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Từ ngày hôm nay đến sáng mai (19/10), khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ ngày 19/10, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.
HÀNG LOẠT CƠ SỞ CHẾ BIẾN GỖ KEO SAI PHẠM VỀ SỬ DỤNG ĐẤT
Quốc Toản - Sản xuất
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, trên địa bàn huyện Thạch Thành, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang tồn tại nhiều điểm thua mua, chế biến gỗ keo có nhiều vi phạm như cơ sở chế biến không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; tự ý chuyển đổi mục đích hàng nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh; thực hiện hoạt động xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Cụ thể: Trên địa bàn huyện Thạch Thành có cơ sở thu mua, chế biến keo Đại Sứ tại xã Thạch Sơn; cơ sở chế biến gỗ keo Năm Hương tại xã Thành Tâm. Còn tại huyện Như Xuân có Cơ sở chế biến của ông Nguyễn Văn Xuân (thôn 10); Trần Viết Huệ (thôn Chôi Trờn); Công ty Công ty Cổ phần đầu tư và Sản xuất thương mại LHD… đều ở xã Bãi Trành.
Hiện, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc làm rõ các vi phạm nêu trên.
NÂNG CAO KIẾN THỨC KIỂM SOÁT DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Minh Đảm -Sản xuất
Sáng 18/10, Chi cục Chăn nuôi và thú y Tiền Giang phối hợp với Hội Chăn nuôi tổ chức lớp tập huấn “Nhận diện và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi”. Tại đây, các học viên được tiếp thu những kiến thức về mối liên hệ giữa đặc điểm virus gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với chiến lược phòng ngừa và kiểm soát; thông tin về vacxin phòng bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là vai trò quan trọng của chất tẩy rửa, thuốc sát trùng…
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc phát tán virut gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ lợn sống và các sản phẩm từ lợn được coi là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch bệnh ở các nông hộ và trang trại quy mô nhỏ. Trong khi đó, việc lây truyền virut cơ học qua phương tiện và con người là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch bệnh ở các trang trại quy mô vừa và lớn.
KIÊN GIANG SẼ ĐẦU TƯ 600 TỶ ĐỒNG XÂY KÈ CHỐNG SẠT LỞ BỜ BIỂN
Văn Vũ - Sản xuất
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đề xuất HĐND tỉnh ban hành chủ trương đầu tư 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển giai đoạn 2023 – 2025 với kinh phí hơn 600 tỷ đồng thuộc 3 huyện An Biên , An Minh và Hòn Đất. Theo đó, dự án đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc An Biên - An Minh có chiều dài tuyến kè khoảng 15 km, tổng mức đầu tư khoảng 375 tỷ đồng. Dự án đầu tư xử lý bờ biển thuộc huyện Hòn Đất, với chiều dài tuyến kè khoảng 10 km, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, việc thực hiện 2 dự án tuyến kè sẽ bảo vệ, phòng chống sạt lở đê biển, giảm sóng gây bồi tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ đất sản xuất. 2 tuyến kè khi hoàn thành sẽ hình thành hệ thống kè giảm sóng, tạo vành đai bảo vệ bờ biển đa tầng cho khu vực ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ứng phóng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
TIN DỰ PHÒNG
HƠN 2.000 TÀU THUYỀN ĐÃ NEO ĐẬU AN TOÀN
Khai thác
Thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa có văn bản gửi Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế về triển khai phòng, chống áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, tính đến 17h ngày 17/10 toàn bộ 2.062 tàu thuyền cùng 1.350 lao động của địa phương đã vào bờ neo đậu an toàn.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai phòng, chống và ứng phó hiệu quả. Hiện đơn vị này đang duy trì thường xuyên 380 cán bộ, chiến sỹ, cùng 24 phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp.
BÌNH ĐỊNH CÓ 37 KHU VỰC CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ
Vũ Đình Thung - Sản xuất
Hiện, tỉnh Bình Định có 37 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, 17 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi bị sạt lở. Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh…
Để chuẩn bị ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiến cứu nạn và Phòng thủ dân sự kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các địa phương. Tổ chức trực ban 24/24 công tác phòng chống thiên tai, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông. Cùng với đó cần theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa, để có kế hoạch ứng phó kịp thời khi mưa bão xảy ra. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, lên danh sách các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao, ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động khi thiên tai xảy ra.
XUẤT KHẨU CÁ TRA 9 THÁNG ĐẠT GẦN 1,4 TỶ USD
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong tháng 9, xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay với giá trị gần 167 triệu USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam 9 tháng năm nay đạt gần 1,4 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng tín hiệu phục hồi trong tháng cuối quý 3 sẽ tạo đà cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý cuối năm nay. Cũng theo VASEP, tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài sụt giảm. Trong đó, một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương hư Trung Quốc, EU, Brazil, Mexico...