Bắc Giang phát huy lợi thế tỉnh có đàn gia cầm lớn thứ 3 cả nước. Phổ biến các quy định về SPS tại Sơn La. Đặt mục tiêu 200.000ha sâm tự nhiên năm 2030. Xuất khẩu gạo dự báo trên 6,4 triệu tấn.
BẮC GIANG PHÁT HUY LỢI THẾ TỈNH CÓ ĐÀN GIA CẦM LỚN THỨ 3 CẢ NƯỚC
Sáng 16/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Bắc Giang. Đến thăm mô hình đàn gia cầm với quy mô 16.000 con/năm tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế và khu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tân Yên, Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của Bắc Giang trong phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo Thứ trưởng, Bắc Giang có tổng đàn gia cầm lớn thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm, đặc biệt là thương hiệu gà đồi Yên Thế. Qua đó, nông dân có thể tiêu thụ tốt hơn ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị của địa phương để hướng dẫn bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng VietGAP cũng như các chứng chỉ chăn nuôi vùng an toàn dịch bệnh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng.Hiện, tỉnh Bắc Giang có 330 trang trại đạt tiêu chuẩn, trong đó có 6 cơ sở chứng nhận VietGAP, 82 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh và 63 cơ sở tham gia mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học được tổ chức FAO và Cục Chăn nuôi đánh giá cao.
PHỔ BIẾN CÁC QUY ĐỊNH VỀ SPS TẠI SƠN LA
Sáng nay (16/6), Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La tổ chức “Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)”. Giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cùng đội ngũ cán bộ chuyên viên đã cung cấp các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện của thị trường sẽ được truyền tải tới các cơ quan, doanh nghiệp, đối tác, người sản xuất nông sản Sơn La, đáp ứng yêu cầu trong tiêu thụ nông sản, từng bước nâng cao được giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Sơn La cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong công tác thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài nói riêng và các sản phẩm nông sản khác nói chung.Đồng thời mong muốn Văn phòng SPS Việt Nam và Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính sách, thông tin tới cấp địa phương để hướng tới nâng cao giá trị nông sản Việt xuất khẩu thông qua đường chính ngạch.
ĐẶT MỤC TIÊU 200.000HA SÂM TỰ NHIÊN NĂM 2030
Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo về việc xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045. Chương trình sẽ có 6 dự án thành phần với nhu cầu vốn dự kiến gần 70.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 200.000ha sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời sẽ hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu với diện tích gần 27.000 ha. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, việc xây dựng Chương trình phát triển sâm còn rất nhiều việc phải làm. Từ cơ sở những ý kiến góp ý của các địa phương, bộ ngành cũng như các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng chương trình sẽ tiếp tục khảo sát chi tiết, đồng thời tham vấn Văn phòng Chính Phủ, các Bộ ngành liên quan để có sự đồng thuận, ủng hộ, và xây dựng chương trình mang tính khả thi trình Thủ tướng phê duyệt.
XUẤT KHẨU GẠO DỰ BÁO TRÊN 6,4 TRIỆU TẤN
Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc hơn do nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, đặc biệt tại thị trường Philippines và Trung Quốc. Lý do là sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang giảm mạnh. Dự báo, xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn, cao hơn khoảng 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, xuất khẩu gạo đang khá sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang Liên minh Châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong cả năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).