Bộ NN-PTNT hợp tác với hệ thống ngân hàng tăng cường ‘bơm vốn’ cho tam nông. Giới thiệu sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp. Lò đốt công trình gần 7 tỉ đồng bị hỏng sau 3 tháng vận hành. Sạt lở hàng chục mét khiến nhiều nhà dân bị nứt và sụp xuống sông.
Bộ NN-PTNT hợp tác với hệ thống ngân hàng tăng cường ‘bơm vốn’ cho tam nông
Sáng nay, tại trụ sở Ngân hàng nhà nước đã diễn ra lễ ký kết quy chế phối hợp về giải pháp đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng đối với tam nông, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách, chương trình tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nổi bật là chính sách cho vay, thu mua kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ. Đến nay, dư nợ tín dụng hỗ trợ cho ngành nông nghiệp đạt trên 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế. Thời gian tới, Bộ NN và PTNT và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực tam nông. Phối hợp chỉ đạo hệ thống ngân hàng trong cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đức Chung sx
Giới thiệu sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp
Lê Hoàng Vũ - SX
Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức giới thiệu quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Tại Hội thảo, Cục Trồng trọt thông qua quyết định ban hành quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án. Với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân, tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí nhà kính phát thải.
Lò đốt công trình gần 7 tỉ đồng bị hỏng sau 3 tháng vận hành
Võ Dũng sx
Mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cụm xã Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 7 tỷ tỉ đồng, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, lò đốt rác phát sinh một số hư hỏng, xuống cấp: Băng chuyền vận chuyển rác vào lò đốt bị hỏng; hệ thống nạp rác tự động và mô tơ quạt hút tổng không hoạt động; kết cấu lò có nhiều vết rạn nứt không vận hành được.
Từ tháng 9/2023 đến nay Trung tâm Quản lý chợ, Môi trường và Đô thị huyện Đakrông tạm thời xử lý rác bằng phương pháp đốt thủ công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết rác thải tập trung tại khu vực xử lý chủ yếu được phơi khô rồi đốt ngoài trời, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sạt lở hàng chục mét khiến nhiều nhà dân bị nứt và sụp xuống sông
Văn Vũ sx
Một vụ sạt lở tuyến Rạch Chanh có chiều dài khoảng 25m vừa xảy ra tại khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ gây mất an toàn cho 2 hộ dân đường Lê Thị Hồng Gấm.
Ngoài ra, trên tuyến kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) cũng bị sạt lở một đoạn dài 35m làm 3 căn nhà bị sụp xuống kênh, 1 căn đang có nguy cơ sạt lở tiếp. Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Thốt Nốt, điểm sạt lở nói trên đang có nguy cơ tiếp tục mở rộng. Các vụ sạt lở không có thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đang chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
BẢN TIN TRUYỀN HÌNH TỐI 05/04/2024
Phục hồi vụ lúa mùa nước nổi
Thanh Thủy – Quỳnh Chi sx
Nông dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An trước đây chỉ trồng 2 vụ lúa, mùa lũ không trồng cấy gì được, bà con chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên.
Với hỗ trợ từ Chính phủ Úc và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), bà con nơi đây đang phục hồi vụ lúa mùa nước nổi kết hợp nuôi cá canh tác theo hướng “thuận thiên” nhằm giữ gìn môi trường đất được màu mỡ, tránh bị bạc hoá, giảm phát thải khí nhà kính cũng như thất thoát sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ viên Hợp tác xã lúa mùa nổi cho biết, năng suất bình quân lúa nổi đạt 1,2 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với lúa 2 vụ chính (6 – 7 tấn/ha) nhưng chi phí sản xuất rất thấp, giá bán cao hơn gấp đôi khoảng 15.000 đồng/kg lúa. Hơn nữa ruộng lúa mùa nổi còn tạo môi trường sống cho các loài thủy sản, cuối vụ lúa tát ruộng, mỗi hộ có thêm nguồn thu cải thiện đời sống.
Phục hồi rừng bằng cây bản địa
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Từ năm 2021 đến nay, Quảng Bình đã xây dựng được 106 mô hình trồng rừng bằng cây bản địa với độ che phủ trên 240 ha.
Toàn bộ cây giống, phân bón đều được cho tặng và thêm một khoản tiền chăm sóc trong 3 năm. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ cây đều xanh, tốt, đảm bảo đúng mật độ. Đây là thành quả của hàng ngàn lượt đóng góp của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ người dân trồng rừng.
Mục tiêu tỉnh Quảng Bình đề ra đến năm 2025 là trồng 100.000ha vùng rừng trồng nguyên liệu, trong đó diện tích rừng gỗ lớn và cây bản địa là 16.200ha, trong đó tập trung phục hồi rừng đầu nguồn.