Giám sát là cách tiếp cận toàn diện để khống chế cúm gia cầm. Đề xuất mời Bộ Thương mại Hoa Kỳ sang thị sát thực tế doanh nghiệp gỗ. Gạo Việt Nam lên kệ hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu của Pháp. Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đảo chiều.
GIÁM SÁT LÀ CÁCH TIẾP CẬN TOÀN DIỆN ĐỂ KHỐNG CHẾ CÚM GIA CẦM
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án "Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác tại Việt Nam ở góc độ tương tác giữa người và động vật, giai đoạn 2017-2022" sáng 7/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi, thủy sản an toàn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia, Dự án đã giúp tăng cường năng lực dịch tễ, giám sát và xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và bệnh dại cho đội ngũ cán bộThú y; giám sát chủ động để có cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh Dại và hợp tác quốc tế trong việc dự phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm.
ĐỀ XUẤT MỜI BỘ THƯƠNG MẠI HOA KỲ SANG THỊ SÁT THỰC TẾ DOANH NGHIỆP GỖ
Theo kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ - DOC về điều tra gỗ dán được làm từ gỗ cứng có nguồn gốc từ Việt Nam bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc để né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, có 22 doanh nghiệp bị đánh giá là không có phản hồi đúng và 14 doanh nghiệp được liệt vào danh sách không hợp tác, không trả lời. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc giải trình của doanh nghiệp Việt với DOC còn nhiều khó khăn, vướng mắc do bất đồng ngôn ngữ hay số liệu không nhất quán.Ông Hoài kiến nghị Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ mời các đoàn thanh tra của Bộ Thương mại nước này sang Việt Nam thị sát thực tế tại chỗ một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ. Qua đó, tìm được tiếng nói chung giữa cộng đồng doanh nghiệp và Hoa Kỳ.
GẠO VIỆT NAM LÊN KỆ HỆ THỐNG SIÊU THỊ BÁN LẺ HÀNG ĐẦU CỦA PHÁP
Gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa chính thức lên kệ của hai hệ thống siêu thị hàng đầu tại Pháp là Carrefour và Leclerc. Ngoài ra, hai hệ thống phân phối đang sở hữu gần 800 đại siệu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp.Lô gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” đợt này là dòng gạo thơm dẻo, được sản xuất từ giống lúa Jasmine 85.Trong 2 năm qua, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này. Các lô gạo xuất sang châu Âu thường được đặt hàng trước từ 4-12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian tổ chức sản xuất tại vùng nguyên liệu riêng theo quy trình canh tác khoa học, an toàn.
XUẤT KHẨU THUỶ SẢN SANG NGA ĐẢO CHIỀU
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 đã giảm lần lượt 86% và 46%, vì vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản sang xứ sở Bạch Dương đã dần hồi phục và từ tháng 7, xuất khẩu đã đảo chiều, tăng 36% và tăng 98% trong tháng 8. Tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đạt trên 94 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đa số sản phẩm thuỷ sản đều sụt giảm vì bị gián đoạn trong giai đoạn đầu của chiến sự Nga – Ukraine, thì xuất khẩu cá chỉ vàng, cá ngừ, cá cơm sang thị trường này vẫn giữ được tăng trưởng dương. Trong đó, cá ngừ tăng 97% đạt gần 16 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 6% đạt 14,6 triệu USD.