Hiện nay, virus gây bệnh Marek trên gà có độc lực rất cao khi các chủng biến đổi trong thời gian dài, bệnh Marek ngày nay vì thế lây lan nhanh hơn, nhưng cũng khó phát hiện hơn.
Cân bằng tính an toàn và hiệu quả trong vacxin phòng bệnh Marek trên gà
Virus gây bệnh Marek được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1907 do nhà bệnh lý học người Hungary Jozsef Marek. Sau hơn một thế kỷ, bệnh Marek vẫn là nỗi lo ngại của các hộ chăn nuôi không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ mắc bệnh từ 10 - 60%. Đồng thời, tỷ lệ chết có thể lên tới 100% do không có thuốc đặc trị.
Chia sẻ tại Hội thảo Vaxxitek Refresh Prevexxion - Tương lai vacxin Marek do Công ty Việt Pháp Quốc tế - VIPHAVET tổ chức, Giáo sư Andreas Herrman, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu Công ty Boehringer Ingelheim cho biết, hiện nay, virus gây bệnh Marek ngoài môi trường có độc lực rất cao khi các chủng virus biến đổi trong thời gian dài. Bệnh Marek ngày nay lây lan nhanh hơn, nhưng cũng khó phát hiện hơn.
Đối với bệnh Marek trên gà, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là vacxin. Tuy nhiên, theo thời gian, virus gây bệnh đã biến chủng với độc lực rất cao. Các loại vacxin cũ khó cân bằng giữa tính an toàn và hiệu quả do được phát triển bằng công nghệ nuôi cấy tế bào.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường về một loại vacxin đảm bảo được cả 2 yếu tố an toàn và hiệu quả, vacxin Prevexxion RN do Công ty Thuốc thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam cung cấp được phát triển bằng công nghệ biến đổi gen, đem lại nhiều ưu điểm nổi trội so với các dòng vacxin cổ điển như: bảo hộ các chủng virus độc lực rất cao; không gây teo cơ quan, không gây liệt;…
Vacxin Prevexxion RN hay còn gọi là vacxin thể khảm, khắc phục được yếu điểm của các loại vacxin cũ
Việc áp dụng vacxin Prevexxion RN sẽ mở ra hướng đi mới cho các hộ chăn nuôi phòng bệnh Marek trên gà từ sớm, từ xa. Qua đó, không chỉ đảm bảo an toàn dịch bệnh mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm thịt an toàn, chất lương.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như hiện nay, giới chuyên gia khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần chủ động phòng dịch nhằm tiết giảm chi phí sản xuất khi không phải tiêu hủy, khử khuẩn, tách đàn do nhiễm bệnh.