| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An tiêu huỷ trên 2.600 gia cầm nhiễm cúm A/H5N1

Thứ Hai 10/04/2023 , 09:11 (GMT+7)

Cơ quan thú y tỉnh Nghệ An vừa tiêu hủy 2.670 con gà nhiễm cúm gia cầm H5N1, để hạn chế tối đa thiệt hại, người chăn nuôi phải nêu cao trách nhiệm phòng dịch.

Trước diễn biến khó lường của dịch cúm gia cầm A/H5N1 thời gian qua, đòi hỏi các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An phải đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin theo kế hoạch đề ra. Ảnh: Việt Khánh.

Trước diễn biến khó lường của dịch cúm gia cầm A/H5N1 thời gian qua, đòi hỏi các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An phải đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin theo kế hoạch đề ra. Ảnh: Việt Khánh.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An xác nhận, từ ngày 22/3/2023 – 4/4/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Hùng Thành, huyện Yên Thành và xã Nghi Ân, TP Vinh. Tổng số gà ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là 2.670 con.

Điều đáng nói, nguyên nhân gây nên dịch cúm gia cầm A/H5N1 vừa rồi mang nặng yếu tố chủ quan: Đàn gia cầm chưa được tiêm vacxin phòng bệnh; hộ bị dịch không thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Phân tích sâu, cơ quan chức năng xác nhận dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Yên Thành do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo, hình thức thả vườn là chính.

Trong khi đó, ở TP. Vinh ghi nhận con giống nhập về trôi nổi, không có hồ sơ quản lý nguồn gốc, cơ sở này vừa nuôi gà đẻ, vừa ấp trứng để bán ra thị trường, quá trình giao dịch thường cho khách hàng ra vào tự do.

Trước đó, vào tháng 2/2023 tại xóm 7, xã Hưng Chính, TP. Vinh cũng ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm quy mô lớn tại 1 hộ chăn nuôi. Để khống chế dịch bệnh và hạn chế nguy cơ lây lan trên diện rộng, Chi cục chăn nuôi và thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan tức thì triển khai các phương án ứng phó, đồng thời tiêu hủy 4.192 con vịt.

Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm phần đa nhưng ý thức của người nuôi tại Nghệ An chưa thực sự tốt. Ảnh: Quốc Toản. 

Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm phần đa nhưng ý thức của người nuôi tại Nghệ An chưa thực sự tốt. Ảnh: Quốc Toản. 

Trao đổi cùng Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh: “Hiện tại đang trong giai đoạn giao mùa, thời tiết bất lợi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Thực sự đáng lo khi ý thức của người nuôi chưa tốt, các hộ chưa thực sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Virus cúm gia cầm H5N1 lưu hành trên đàn vật nuôi và trong môi trường với tỷ lệ khá cao, Nghệ An dù có tổng đàn gia cầm lớn nhưng chưa thể phủ kín vắc-xin phòng bệnh. Từ những yếu tố trên, thấy rằng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và lây lan sang địa bàn khác rất dễ xảy ra”.

Trở lại với diễn biến tại 2 xã Hùng Thành và Nghi Ân. Ngay sau khi đàn gia cầm có kết quả xét nghiệm âm tính, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trực tiếp khâu nối với chính quyền 2 huyện Yên Thành và TP. Vinh, đồng thời chủ động cử cán bộ phòng quản lý dịch bệnh kiểm tra, hướng dẫn địa phương xử lý triệt để ổ dịch.

Kế đó, UBND huyện Yên Thành, TP. Vinh đã thực hiện công bố dịch cúm gia cầm H5N1 theo đúng quy định và tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để chủ động quán xuyến, dập dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng yêu cầu người dân không được dấu dịch; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh, hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác vật nuôi bừa bãi; tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch sớm, báo cáo kịp thời.

Xác định tiêm phòng vacxin vẫn là phương án tối ưu nhất, hữu hiệu nhất để bảo vệ đàn gia cầm, từ nhu cầu cấp thiết đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã tiến hành cấp ngay 70.000 liều vacxin cúm gia cầm và 900 lít hóa chất cho vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

Không chỉ có thế, đơn vị cũng yêu cầu các phường, xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng triệt để vacxin cúm gia cầm và các loại vacxin khác đối với đàn vật nuôi chưa được tiêm theo kế hoạch vụ xuân 2023, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.

Nghệ An có tổng đàn gia cầm thuộc tốp đầu cả nước, nếu người nuôi không tuân thủ nghiêm túc thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây nên không hề nhỏ. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An có tổng đàn gia cầm thuộc tốp đầu cả nước, nếu người nuôi không tuân thủ nghiêm túc thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây nên không hề nhỏ. Ảnh: Việt Khánh.

Với trên 33 triệu con, Nghệ An có tổng đàn gia cầm thuộc tốp đầu cả nước. Dù địa phương này đã thu hút được một số doanh nghiệp tiềm năng vào đầu tư nhưng hình thức nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần đa. Số lượng cơ sở chăn nuôi dẫu nhiều nhưng không tinh kéo theo nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh thú y, qua đó gia tăng áp lực lên cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp. Thực trạng này diễn ra khá phổ biến ở cả khu vực đồng bằng lẫn miền núi cao, thuộc các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.